Vụ sập hầm: “Em không tin là mình được cứu sống“
Một trong số 12 công nhân được giải cứu an toàn cho biết, anh không tin là mình đã được cứu sống.
Sau 4 ngày vượt qua cái giá lạnh cắt da của miền rừng núi Lạc Dương (Lâm Đồng), lực lượng cứu hộ đã làm mọi cách để tiếp cận được với các nạn nhân và đưa họ ra ngoài an toàn. Và tất cả mọi người đều tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ đến. Hàng trăm, hàng ngàn ý kiến hiến kế giải cứu, hàng vạn lời động viên cảm động từ hàng triệu độc giả trên cả nước đang tới tấp gửi về qua các trang báo mạng động viên 12 công nhân: “Hãy vững tin các anh chị nhé!". Và niềm tin ấy được đền đáp vào 16 giờ 38 phút khi toàn bộ 12 nạn nhân được cứu thoát.
Công nhân đầu tiên được đưa ra ngoài
Nước mắt vui mừng của người thân các công nhân
Ngoài lực lượng được huy động trước đó, như Cảnh sát PCCC - Cứu hộ cứu nạn của TP.HCM lên chi viện vào đêm qua thì sáng ngày 19.12, có thêm khoảng 100 chiến sĩ được Bộ Tư lệnh Công binh điều động từ một Lữ đoàn ở tỉnh Khánh Hòa được điều lên tham gia cứu nạn.
Một công ty xây dựng từ TPHCM đã cử 10 công nhân cùng 2 máy tán sỏi đến hiện trường, tiếp sức cho lực lượng cứu hộ. Trong 4 ngày, tổng số người tham gia đào hầm đã lên đến khoảng 400 người.
Hơn lúc nào hết, thời gian đang trở thành thứ quý giá nhất trong cuộc chạy đua giải cứu nạn nhân. Dưới cái lạnh 15 độ C, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, kỹ sư, công nhân thuộc các lực lượng vẫn miệt mài hướng về hầm sâu, nơi 12 công nhân đang mong ngóng.
Lực lượng cứu hộ đưa các công nhân gặp nạn ra ngoài
Niềm vui vỡ oà!
Lúc 16 giờ 38 phút, 4 nạn nhân đầu tiên được đưa ra! Niềm vui bất ngờ, vỡ òa đã đến với tất cả mọi người! Chiến dịch cứu hộ đã thành công ngoài dự kiến. Cả công trường với hơn 700 người có mặt đang "dậy sóng", hàng chục người thân lao đến chực ôm lấy các công nhân nhưng lực lượng cứu hộ phải ngăn lại để đưa các nạn nhân vào lán trại cho bác sĩ theo dõi.
Binh nhất Hoàng Văn Thảo, thuộc lữ đoàn Công binh 293 Bộ Tư lệnh Công binh C3, người đầu tiên tiếp cận nạn nhân, vui mừng kể: "Đang tối, thấy ánh điện phía đối diện lóe lên và có tiếng động, vừa lúc đó tôi hô to "thấy rồi". Ngay lúc đó, tôi và mọi người đã lập tức đào tới. Chỉ vài nhát đào nữa thì một lỗ thủng lớn xuất hiện. Tôi nhìn qua phía bên kia thấy nhiều người. Ngay lúc đó, tôi lập tức bò qua tiếp cận với các nạn nhân. Ngay lúc đó, các nạn nhân bên trong reo vang lên "được cứu rồi"".
Các chiến sĩ bộ đội công binh Nguyễn Tấn Bửu, Lê Viết Nhiễm cho biết: "Lúc đó tôi cùng một số đồng đội đang đào thì bất ngờ đất đổ sập xuống ngay trước mặt. Mọi người nhìn lên ngỡ ngàng thấy các công nhân đang ngồi trong hầm. Thế là cùng hét lớn rồi lao đến ôm chầm lấy nhau. Lúc này các công nhân trong hầm đều nhường cho chị Ngọc ra trước. Do quá vui mừng nên những người còn lại như khỏe lên và cùng anh em chúng tôi đi ra".
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng xúc động nói: "Kết thúc có hậu này đã đền đáp xứng đáng những vất vả, hiểm nguy của gần 1.000 người tham gia công tác cứu hộ suốt 4 ngày qua. Quan trọng nhất là các chỉ số sức khỏe cả 12 nạn nhân đều ổn, chỉ 4 người bị choáng nhẹ, được đưa lên xe cứu thương chuyển đi, các công nhân còn lại đều đang nằm theo dõi trong lán trại dã chiến”.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cho biết: “Mặc dù dự kiến chậm nhất là sáng mai tiếp cận được tới chỗ 12 nạn nhân mắc kẹt, nhưng điều bất ngờ đã đến, quá trình đào ngách hầm bên trái đã phát hiện một lỗ hổng bất ngờ nên đã nhanh chóng hướng đào về phía đó và niềm vui đã đến”…
Toàn cảnh hiện trường cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt không giấu nổi sự vui sướng: "Niềm vui quá bất ngờ, chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý nhanh nhất là trưa mai mới tiếp cận được. Hạnh phúc đến bất ngờ quá, đền đáp công sức mọi người suốt mấy ngày qua. Trước mắt chúng tôi sẽ chỉ đạo việc chăm lo sức khỏe cho các công nhân thật ổn định. Lập đầu mối thông tin để người nhà các nạn nhân vào có chỗ ăn ở đàng hoàng".
Nạn nhân đầu tiên chúng tôi tiếp xúc được là anh Nguyễn Văn Quang (19 tuổi). Gương mặt mệt mỏi, thất thần, Quang cho biết anh vừa thi trượt đại học, cảnh quê nghèo khó nên theo anh trai vào đây làm công nhân 5 tháng trước. “Nói thật với anh là đến giờ em vẫn không tin là mình được cứu sống”, anh Quang nói.
Còn anh Trương Tuấn Việt (40 tuổi) thì nói trong nước mắt: "Tôi sung sướng lắm, bây giờ điều tôi muốn nhất là gặp vợ con mình".