Vụ quay trộm du khách tắm: Bất ngờ với mục đích của thuyền viên
Thuyên viên tàu du lịch Hùng Long 66 mang số hiệu QN-6096 khai nhận việc quay lén du khách tắm trên tàu.
Khôi phục dữ liệu xem có cảnh phụ nữ tắm không?
Ngày 19/7, Công an TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đang điều tra làm rõ vụ việc, Trần Văn Hùng - thuyền viên tàu du lịch Hùng Long 66 mang số hiệu QN-6096 sử dụng điện thoại quay lén du khách tắm tráng trên tàu.
Trước đó, ngày 13/7, Công an phường Tuần Châu (TP.Hạ Long) nhận được trình báo của nam du khách tên D.P.H về việc, thuyền viên tàu du lịch Hùng Long QN 6069 Trần Văn Hùng có hành vi dùng camera điện thoại quay lén du khách đang tắm tráng.
Thiết bị quay lén cài trên trần nhà tắm được du khách chụp lại. Ảnh: PLO
Sau khi tiếp nhận tố cáo, Công an phường Tuần Châu đã lập biên bản, lấy lời khai ban đầu của những người có liên quan.
Trao đổi với PV ngày 19/7, lãnh đạo Công an TP.Hạ Long cho biết, sau khi bị du khách phát hiện hành vi quay lén, Hùng đã xóa dữ liệu trên máy điện thoại. Vì vậy, cơ quan điều tra đang khôi phục lại dữ liệu trên điện thoại của đối tượng Hùng để làm rõ hành vi, mục đích vi phạm.
“Bước đầu đối tượng (Hùng – PV) khai quay để đấy nhưng hành vi của đối tượng đã vi phạm pháp luật về quyền bí mật đời tư của cá nhân.
Chúng tôi đang khôi phục lại toàn bộ dữ liệu để xem video đối tượng quay có những ai, có phụ nữ hay không?”, lãnh đạo Công an TP.Hạ Long nói.
Liên quan tới vụ việc, trước đó, UBND TP.Hạ Long, Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép, đình chỉ hoạt động tàu du lịch Hùng Long 66 mang số hiệu QN-6096 nhằm phục vụ điều tra hành vi đặt máy quay lén trong nhà tắm tráng trên tàu. Thời gian từ chối cấp phép đối với tàu Hùng Long 66 sẽ bắt đầu từ ngày 15/7 cho tới khi UBND TP Hạ Long chấp thuận cho hoạt động trở lại.
Quay lén sẽ bị xử lý thế nào?
Liên quan tới vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc, hành vi đặt camera quay lén sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV về thắc mắc của bạn đọc, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công lý) cho biết, sinh hoạt cá nhân (tắm rửa, thay quần áo…) là đời sống riêng tư của mỗi cá nhân được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra. Vì vậy, sinh hoạt cá nhân được hiểu là bí mật đời tư của mỗi cá nhân. Theo quy định trên, sinh hoạt cá nhân của mỗi người được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố tư liệu về sinh hoạt cá nhân của người khác phải được sự đồng ý của họ.
“Hành vi đặt thiết bị quay lén của nhân viên tàu rõ ràng là vi phạm pháp luật về quyền bí mật đời tư của cá nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự. Người có hành vi xâm phạm, gây ra thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị xâm hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”, luật sư Kiên nói.
Về xử lý hành chính, luật sư Kiên cho rằng, hành vi quay lén người khác đang tắm đã vi phạm khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính bưu chính viễn thông công nghệ thông tin. Cụ thể, người nào thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Về hình sự, luật sư Kiên phân tích, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định, người quay lén hình ảnh người khác tắm trộm sau đó sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân có được do quay lén vào mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS với hình phạt cao nhất là 5 năm tù.
“Trong trường hợp người quay lén có hành vi sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến các đoạn clip quay lén với nội dung nhạy cảm thì người vi phạm có thể bị truy cứu về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” được quy định tại Điều 326 Bộ Luật hình sự với mức phạt tù cao nhất là 15 năm”, luật sư Lê Văn Kiên phân tích thêm.
Thủ thuật cực đơn giản phát hiện camera quay lén trong khách sạn
Cơ quan chức năng TP.Hạ Long đang điều tra làm rõ việc khách du lịch tố thuyền viên trên tàu sử dụng điện thoại ghi hình...