Vụ "quan tài diễu phố": Người nhà nạn nhân "đại náo công đường"
Cho rằng mức án tòa tuyên quá nhẹ và bỏ lọt tội phạm, gia đình nạn nhân đã phản ứng dữ dội…
Ngay từ những phút đầu tiên của phiên xử chiều 15-7, gia đình nạn nhân đã tỏ ra bức xúc và lớn tiếng với các bị cáo. Người nhà nạn nhân cho rằng các bị cáo đã không thành khẩn khai báo khiến vụ án chưa thể có kết luận rõ ràng.Lực lượng cảnh sát phải can thiệp và khuyên người nhà nạn nhân nên bình tĩnh nhưng họ vẫn gây mất trật tự phòng xử. Tòa phải cho thư ký điểm danh các bị cáo và người liên quan có mặt, yêu cầu mọi người giữ trật tự để phiên tòa được bắt đầu. Lúc này phía người nhà nạn nhân mới dừng lại.
Theo TAND tỉnh Vĩnh Phúc, hành vi giết người của các bị cáo mang tính chất côn đồ, có nhiều bị cáo tái phạm nguy hiểm, gây phẫn nộ cho gia đình nạn nhân và xã hội. Từ đó, tòa phạt Phùng Mạnh Tuấn và Đặng Quốc Tú cùng án tù chung thân về tội giết người. Theo tòa, Mạnh Tuấn là người cầm đầu, đã dùng chân đạp nạn nhân xuống nước, đây là nguyên nhân chính dẫn tới nạn nhân chết ngạt. Còn Quốc Tú mặc dù liên tục kêu oan và nhất quyết không chịu bồi thường nhưng lời khai của các bị cáo còn lại và các chứng cứ khác cho thấy có đủ căn cứ để kết luận Tú phạm tội.
Người nhà nạn nhân gây náo loạn phiên tòa sau khi HĐXX công bố mức án của các bị cáo. Ảnh: T.PHAN
Cùng tội này, tòa phạt Phùng Đắc Tú 22 năm tù, Nguyễn Văn Định 17 năm tù, Nguyễn Văn Tình 16 năm tù, Nguyễn Văn Bính chín năm tù. Ngoài ra, tòa phạt Nguyễn Anh Tuấn ba năm tù về tội che giấu tội phạm, Nguyễn Duy Hiệp hai năm sáu tháng tù về tội không tố giác tội phạm. Tòa cũng buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường tổng cộng hơn 309 triệu đồng cho gia đình nạn nhân và cấp dưỡng cho hai con nhỏ của nạn nhân hơn 500.000 đồng/tháng/cháu cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Về phần ông Đặng Khánh Dũng (giám đốc Công ty TNHH Minh Giang, con rể cựu chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), do sự việc xảy ra tại tòa nhà của ông này, các bị cáo lại là người làm của mình nhưng ông Dũng lại không trình báo cơ quan. Do đó, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính ông Dũng. Trong ngày 16 và 17-3, ông Dũng có gọi điện thoại và nhắn tin cho các bị cáo, đây là hành động thực hiện theo yêu cầu của công an nên không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự ông này.
Ngay khi chủ tọa phiên tòa vừa dứt lời tuyên án, gia đình nạn nhân Tuấn Anh đã ùa lên phản ứng dữ dội. Họ cho rằng mức án dành cho các bị cáo là quá nhẹ. Hơn nữa, quá trình xét xử đã bỏ lọt tội phạm khi không truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Dũng. Nhiều người tỏ ra bức xúc khi liên tục hét lớn trong phòng xử, thậm chí đứng lên cả bàn ghế để phản đối.
Chủ tọa tuyên bố bế mạc nhưng người nhà nạn nhân vẫn quyết ở lại phòng xử và yêu cầu giữ đúng mức án trong phiên sơ thẩm lần đầu (một án tử hình, hai án tù chung thân). Thậm chí khi được lực lượng cảnh sát đưa ra khỏi phòng, nhiều người vẫn tiếp tục hét lớn, xô xát khiến một nữ cảnh sát bị thương nhẹ.
Án nhẹ hơn phiên xử sơ thẩm lần đầu Đây là vụ án từng gây chấn động dư luận hồi năm 2013 vì sau cái chết của nạn nhân, gia đình đã mang quan tài diễu phố yêu cầu công an vào cuộc. Tại phiên sơ thẩm lần đầu hồi tháng 9-2013, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã phạt Mạnh Tuấn án tử hình, Đắc Tú và Quốc Tú cùng án tù chung thân, Định 20 năm tù, Tình 18 năm tù, Bính 12 năm tù về tội giết người. Anh Tuấn ba năm tù về tội che giấu tội phạm, Hiệp 30 tháng tù về tội không tố giác tội phạm. Bản án này sau đó đã bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên hủy, yêu cầu điều tra lại do phát hiện nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng. |