Vụ PV Tiền Phong bị dọa giết: Đề nghị báo cáo kết quả trước ngày 5/6
Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Kuin yêu cầu các lực lượng điều tra, xác minh nội dung báo Tiền Phong phản ánh. Kết quả xử lý phải báo cáo về Thường trực Huyện ủy trước ngày 5/6.
Hội Nhà báo đề nghị bảo vệ hội viên
Chiều 29/5, Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên.
Hiện trường khu vực múc đất của dân ở thôn 8, xã Ea Ktur.
Theo công văn do ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch thường trực HNBVN - ký gửi, hội đã nhận được công văn của báo Tiền Phong phản ánh về việc phóng viên bị đe doạ khi tác nghiệp.
Để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, HNBVN đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của PV báo Tiền Phong; điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, thông báo kết quả điều tra, xử lý với hội qua Ban Kiểm tra bằng văn bản.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Kuin có thông báo ý kiến của Thường trực Huyện ủy, giao UBND huyện chỉ đạo công an và các cơ quan chức năng trực thuộc khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng đe doạ, hành hung (nếu có).
Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Kuin yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm có các biện pháp bảo vệ các nhà báo khi tham gia tác nghiệp trên địa bàn huyện; chỉ đạo UBND xã Ea Ktur và các cơ quan liên quan báo cáo tình hình việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác đất trên địa bàn như báo Tiền Phong đã nêu.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Kuin cũng yêu cầu Đảng uỷ xã Ea Ktur báo cáo vụ việc các cán bộ công chức xã né tránh, chậm trễ cung cấp thông tin cho báo chí (nếu có) như báo phản ánh.
Kết quả xử lý các nội dung này phải báo cáo về Thường trực Huyện ủy trước ngày 5/6
Né tránh cung cấp thông tin
Như Tiền Phong phản ánh, sau khi thực tế ghi nhận hiện trường để viết bài về vấn nạn "đất tặc" ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, nhà báo Tuấn Nguyễn (phụ trách Văn phòng đại diện Tây Nguyên, báo Tiền Phong) đã gọi điện báo cho ông Nguyễn Tấn An - công chức địa chính xã - đề nghị báo cáo lãnh đạo xã xem xét, lập tổ công tác ra kiểm tra, lập biên bản. Tuy nhiên, ông An đề nghị anh Tuấn Nguyễn liên hệ với chủ tịch xã, sau đó không nghe máy nữa.
Ngày 18/5, anh Tuấn Nguyễn đến làm việc với ông Nguyễn Kim May - Chủ tịch UBND xã Ea Ktur, nhưng ông này chỉ nói có xử phạt 4 triệu đồng với hộ ông Nguyễn Công Hương (thôn 8) - nơi xảy ra việc đào múc, chở đất sai phạm. Ông May cho biết biên bản ông An giữ, hẹn chiều cung cấp, song sau đó không gửi.
Tối cùng ngày, liên tiếp có 2 người đàn ông sử dụng cùng một số điện thoại 0915840755 thay nhau gọi đến số máy của nhà báo Tuấn Nguyễn, doạ giết cả nhà nếu còn đặt chân xuống đất Cư Kuin.
Ngày 25/5, anh Tuấn Nguyễn vào trực tiếp phòng làm việc của ông Nguyễn Tấn An đề nghị hợp tác, cung cấp biên bản xử phạt đối với hộ ông Hương. Ông An trả lời: “Làm việc phải qua lãnh đạo xin ý kiến, chỉ đạo. Anh gọi cho anh May - chủ tịch xã đi. Anh ấy có chỉ đạo, tôi mới cung cấp được”.
Nhà báo Tuấn Nguyễn trước đó đã gọi nhiều lần, trực tiếp làm việc với chủ tịch xã và được ông này cho biết sẽ đề nghị ông An chụp ảnh, gửi biên bản qua zalo. Tuy nhiên, hơn 1 tuần rồi, phía báo vẫn không nhận được phản hồi.
Sau đó, ông An ra ngoài gọi điện xin ý kiến ông May rồi quay vào cho biết: “Anh ấy đang họp, về xử lý sau. Phải có sự chỉ đạo của anh ấy tôi mới cung cấp”. Anh Tuấn Nguyễn buộc phải gọi điện cho chủ tịch huyện này là ông Võ Tấn Huy và chủ tịch xã đề nghị cung cấp thông tin.
“Lấy biên bản làm gì anh nhỉ? Tôi đã cung cấp thông tin cho anh rồi còn gì? Anh chờ tôi về nhé. Tôi đang họp ở huyện” - chủ tịch xã trả lời. Còn Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy cho biết: “Ông May đang họp dưới huyện. Để tôi trao đổi lại”. Một lúc sau, ông Nguyễn Tấn An nhận một cuộc điện thoại rồi mới chịu lấy biên bản gửi cho anh Tuấn Nguyễn.
Trả lời câu hỏi của PV về việc tối 6/5 - sau khi PV điện thoại báo tin, ông có gọi cho chủ tịch xã báo cáo không? Xã có cho đoàn vào kiểm tra sau đó không? ông An trả lời: “Tôi có gọi nhưng không rõ sau đó có kiểm tra hay không?”.
Trước đó, Tiền Phong có bài viết Tái diễn dự án “bánh vẽ" ở Tây Nguyên, phản ánh, dù chưa được cấp chủ trương đầu tư dự án nhưng Cty CP đầu tư và Phát triển Du lịch sinh thái Đại Ngàn (Đại Ngàn JSC) đã tạo website, facebook đăng thông tin, mở bán dự án khu biệt thự Bamboo Villas (thôn 8, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin).
Không những thế, một số công nhân còn thi công móng đá hộc, xây dựng trên đất nông nghiệp tại khu vực quảng cáo có dự án này. Chính quyền xã Ea Ktur đã xử phạt 2 lần nhưng sau đó hoạt động xây dựng vẫn tái diễn. Chỉ đến khi Tiền Phong phản ánh tiếp mới dừng lại.
Cũng tại xã Ea Ktur, chị H Lê Chi Na Êban (SN 1990, trú ở xã này) phản ánh với báo Tiền Phong, mang hồ sơ làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp cho UBND xã từ đầu năm 2022, song tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Nguồn: [Link nguồn]
“Tôi đã chỉ đạo quyết liệt Công an huyện Cư Kuin gọi hết các đối tượng liên quan lên để điều tra, làm rõ, xử lý”, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết.