Vụ Phó giám đốc Eximbank cuỗm 301 tỉ bỏ trốn: Người gửi tiền quá chủ quan?

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP HCM khuyến cáo dù là khách hàng VIP của ngân hàng cũng không nên tin tưởng, giao phó toàn bộ tài sản của mình cho nhân viên ngân hàng trong quá trình giao dịch.

Sau vụ bà Chu Thị Bình, khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP HCM, bị mất hơn 301 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết đã rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các khách hàng VIP (khách hàng thân thiết, hoặc gửi số tiền lớn...) và áp dụng thêm giải pháp để phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và cả ngân hàng.

Trên thực tế, mỗi ngân hàng đều có chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng VIP. Thậm chí để cạnh tranh và thu hút khách đến gửi số tiền lớn, nhiều ngân hàng thường cho phép khách hàng VIP không đến quầy, chi nhánh để giao dịch. Theo đó, khách VIP được phép ủy quyền cho người khác hoặc ủy quyền cho cán bộ ngân hàng là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của ngân hàng thay thế họ thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền… 

Vụ Phó giám đốc Eximbank cuỗm 301 tỉ bỏ trốn: Người gửi tiền quá chủ quan? - 1

Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết đang rà soát lại quy định với khách hàng VIP để hạn chế rủi ro, bảo vệ quyền lợi cho cả khách hàng và ngân hàng. Ảnh: Tấn Thạnh

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn tại TP HCM nhìn nhận về nguyên tắc quy trình, quy định gửi tiền tiết kiệm là giống nhau cho mọi khách hàng nhưng chính sách lại khác nhau, nhất là những ưu đãi, tiện ích mà từng ngân hàng áp dụng với khách hàng VIP có số tiền gửi hàng tỉ đồng. "Khách hàng lớn được các ngân hàng chăm sóc đặc biệt, bởi "buông" ra là mất. Dù có quy định chung nhưng từng chi nhánh, phòng giao dịch sẽ áp dụng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng" - vị phó tổng này chia sẻ.

Theo Eximbank, bà Bình là một trong những khách hàng lớn, có uy tín đã gửi tiền nhiều năm tại ngân hàng nên được chăm sóc và ưu ái, kể cả việc không cần đến quầy giao dịch. Và trong vụ việc này, toàn bộ các giao dịch từ thời điểm gửi tiền đến khi phát hiện vụ việc đều do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc chi nhánh Eximbank TP HCM, trực tiếp theo dõi, liên hệ và cả phê duyệt trên chứng từ giấy, hệ thống của ngân hàng. 

Và lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng đã nhiều lần đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của vị khách VIP này.

Theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an gửi Eximbank, chữ ký của bà Chu Thị Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật.

"Nếu ông Hưng không phải lãnh đạo cấp chi nhánh, không phải nhân viên ngân hàng lâu năm và không nhận được sự tin tưởng lớn từ khách hàng thì khó có chuyện chiếm đoạt được số tiền lớn như vậy từ khách hàng VIP. Nhưng trong vụ việc này, cũng có phần chủ quan của khách hàng VIP khi "giao phó" toàn bộ tài sản của mình cho nhân viên ngân hàng" - tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có hội sở tại TP HCM phân tích.

Để tránh những vụ việc tương tự và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết ngay sau vụ việc, đã yêu cầu rà soát thống kê toàn bộ khách hàng VIP (khách hàng có số tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên) xem các trường hợp này có giao dịch tại nhà hoặc có giao dịch ủy quyền, có tất toán từng phần sổ tiết kiệm không nhưng không phát hiện có trường hợp tương tự. Dù khách VIP thường có yêu cầu đặc biệt nhưng ngân hàng từ chối các trường hợp yêu cầu chỉ giao dịch với một người mà chi tiền mặt phải đi từ 2 người trở lên...

Trao đổi với Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cũng cho biết sẽ rà soát, kiểm tra thường xuyên quy trình, chính sách áp dụng cho khách hàng VIP và việc thực hiện của cán bộ ngân hàng. Bởi các quy định, thủ tục trong quá trình khách hàng đến rút, gửi tiền tiết kiệm đã đầy đủ, chặt chẽ nhưng quan trọng là quá trình thực hiện của cán bộ ngân hàng, liên quan đến yếu tố con người, đạo đức. Đồng thời, lãnh đạo các ngân hàng khuyến cáo dù là khách hàng VIP cũng không nên chủ quan, tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ ngân hàng nào để tránh rủi ro.

"Rủi ro lớn nhất vẫn là con người, mà con người thì khó kiểm soát nhất dù có hàng loạt quy định văn bản" - lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận.

Thông tin chi tiết vụ PGĐ Eximbank cuỗm 301 tỉ bỏ trốn

Ông Lê Nguyên Hưng, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Chi nhánh TP HCM, lợi dụng khách hàng ủy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN