Vụ phá rừng "khủng": Gỗ lậu chờ nước lũ về xuôi

Hàng trăm phách gỗ quý (gỗ kiền kiền) được cất giấu tại nhiều địa điểm khác nhau trong rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa (giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng), chờ cơ hội theo con nước về xuôi khi mùa lũ đã cận kề.

Chiều ngày 16/10, Hạt kiểm lâm Đông Giang (Quảng Nam) và Hạt kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa (Đà Nẵng) vẫn đang tiếp tục di chuyển hàng trăm phách gỗ từ 9 địa điểm trong rừng đặc dụng ra các điểm tập kết bên ngoài.

Vụ phá rừng "khủng": Gỗ lậu chờ nước lũ về xuôi - 1

Số gỗ kiền kiền được cất giữ tại Trạm kiểm lâm Dốc Kiền

Tại xã Tư (huyện Đông Giang), sau khi được vận chuyển bằng xe tải ra khỏi rừng, gần 10 m3 gỗ quý được đưa về cổng UBND xã để cơ quan chức năng đo đạc, kiểm đếm số lượng gỗ cụ thể. Do số liệu đo đạc từ trong rừng chưa chính xác nên khối lượng gỗ đưa về đây  có thể lên đến gần 11m3. Toàn bộ được cưa xẻ vuông vức. Ngoài lực lượng kiểm lâm, cơ quan công an huyện Đông Giang cũng có mặt để thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm phục vụ công tác điều tra, sau khi lực lượng kiểm lâm khởi tố vụ án.

Ông Đặng Phương Trung, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa cho biết: “Chúng tôi cũng đang di chuyển hơn 10 m3 gỗ kiền kiền từ bốn địa điểm thuộc lâm phận Đà Nẵng về trụ sở của hạt để điều tra, tìm hiểu nguồn gốc gỗ. Dự kiến, đến trưa ngày mai (17/10), công việc sẽ hoàn tất”.

Vụ phá rừng "khủng": Gỗ lậu chờ nước lũ về xuôi - 2

Xe tải vận chuyển số gỗ kiền kiền ra địa điểm tập kết

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ số gỗ nói trên được tập kết tại những địa điểm gần khu vực khe, suối. Một cán bộ Trạm kiểm lâm Dốc Kiền (Hạt kiểm lâm Đông Giang) nhận định, chủ số gỗ này đang chờ mùa nước lũ về để kết bè, vận chuyển “hàng” về xuôi. “Đây là thủ đoạn mà các đối tượng lâm tặc thường sử dụng để vận chuyển gỗ qua những địa hình phức tạp, nhiều đồi núi. Để đưa được số gỗ này ra các điểm tập kết nói trên, họ phải mất hàng tháng trời. Việc vận chuyển gỗ bằng đường bộ về xuôi hầu như là không thể nên phải nhờ đến nước lũ”.

Anh Nguyễn Xuân T. (một người dân thôn Láy, xã Tư), từng hơn mười năm “hành nghề” khai thác gỗ ở vùng rừng giáp ranh Quảng Nam – Đà Nẵng cho biết, sau khi đốn hạ, gỗ được cắt xẻ thành từng phiến để dễ dàng di chuyển. “Khi vận chuyển qua những đoạn đồi, núi cao, chúng tôi phải dùng tời để tời từng phiến gỗ. Sau đó, tập kết chúng tại nhiều địa điểm ở đầu nguồn con suối, chờ nước lũ lên. Vào mùa lũ, gỗ được kết thành từng bè lớn. Xung quanh bè được bố trí nhiều xăm (ruột) ô tô bơm căng để có thể lướt êm trên mặt nước”.

Vụ phá rừng "khủng": Gỗ lậu chờ nước lũ về xuôi - 3

Những con suối khô cạn vào mùa khô nhưng lại là tuyến đường vận chuyển gỗ lậu “an toàn” vào mùa lũ

Anh T. giải thích thêm, dân làm gỗ có thể bơi theo bè hoặc đứng trên bè dùng sào để đưa gỗ về xuôi. Gỗ từ rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa có thể di chuyển theo hướng sông Nam – sông Bắc để về tập kết tại một số địa điểm ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

“Gác kiếm” gần bốn năm nay nhưng ông Huỳnh Xuân L. (thôn Láy) vẫn thuộc nằm lòng các chiêu bài để đưa gỗ lậu “né trạm” hoặc xuôi theo nước lũ về đồng bằng. “Ngoài việc vận chuyển gỗ ra các đường cái để về xuôi thì cách an toàn nhất là chờ nước lũ lên rồi kết bè đưa gỗ đi. Dân đi rừng có quy luật riêng là mùa nắng đi đốn gỗ, mùa lũ đi chở gỗ. Đi bè gỗ mùa lũ cũng rất nguy hiểm nhưng không bị bắt, dễ qua mặt các trạm” ông nói.

Cũng theo ông L., mấy năm về trước, gỗ kiền kiền chỉ thuộc hạng “bình thường”. Nhưng từ ngày rừng “khan hiếm”, nó trở thành gỗ quý trong mắt mấy đầu nậu, chuyên thu mua gỗ. “Ở rừng Đông Giang không còn các loại gỗ kiền kiền to như vậy đâu, bị chặt hạ hết rồi. Gỗ này là từ rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa ra” ông L. nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN