Vụ phá giếng cổ ở đền Lê Văn Hưu: Có giếng, nhưng không có giếng cổ ngàn năm?
Báo cáo gửi Cục Di sản, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa khẳng định tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu có giếng, tuy nhiên không có giếng Ngọc và chưa có tài liệu nào chứng minh giếng của đền Lê Văn Hưu là giếng cổ ngàn năm.
Ngày 23-3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) vụ việc phá giếng cũ tại đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, để xây mới khi trùng tu, tôn tạo, gây bức xúc dư luận, nhà nghiên cứu trong thời gian qua.
Giếng cổ ở đền Lê Văn Hưu đã được phá bỏ khi trùng tu
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, về lý lịch di tích đền Lê Văn Hưu (trang 5) viết: "Trước kia, đền thờ Lê Văn Hưu (hay còn gọi là chùa ông Hưu) có quy mô rộng lớn, cây cối um tùm, có hồ, có giếng, có gác chuông. Mặt trước hướng về núi Nưa (Nông Cống), sát cạnh là sông nhà Lê (tức sông Hương Giang) - cảnh trí thật hữu tình…". Như vậy, lý lịch di tích đền thờ Lê Văn Hưu được ghi là có hồ, có giếng (không có giếng Ngọc).
"Theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích Đền thờ Lê Văn Hưu, có hạng mục giếng của đền thờ, cụ thể: khu vực I (là khu vực bất khả xâm phạm), gồm có: đền thờ Lê Văn Hưu; sân gạch (A - vị trí nhà Tiền đường cũ); Nhà khách (nhà thờ Tổ cũ và sân - B); vườn cây của xã (khu vực chùa Hương Nghiêm cũ và giếng của đền thờ). Như vậy, căn cứ vào hồ sơ khoa học đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn (nay là huyện Thiệu Hóa), tỉnh Thanh Hóa được Bộ VH-Đ-DL công nhận di tích Quốc gia năm 1990, có hạng mục giếng và chưa có tài liệu nào chứng minh giếng của đền thờ Lê Văn Hưu là giếng cổ nghìn năm"- văn bản nêu.
Báo cáo gửi Cục Di sản cũng cho biết, Sở VH-TT-DL đã phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa, UBND xã Thiệu Trung, Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa và các nhà nghiên cứu di tích, lịch sử kiểm tra thực tế tại di tích đền thờ Lê Văn Hưu. Tuy nhiên, tại hội nghị đang còn có những ý kiến trái chiều nhau giữa các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hoá, khoa học, lịch sử và địa phương.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, tại đền Lê Văn Hưu có giếng, nhưng không có giếng Ngọc
Từ đó, đề nghị Cục Di sản Văn hoá sớm tổ chức vào kiểm tra thực tế và có ý kiến chỉ đạo cụ thể để địa phương và Sở VH-TT-DL có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, người dân xã Thiệu Trung và những nhà nghiên cứu lịch sử rất bất bình trước việc UBND huyện Thiệu Hóa cho phá bỏ giếng Ngọc (được cho có tuổi đời hàng trăm năm) tại di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu, để trùng tu, tôn tạo bằng cách làm mới giếng Ngọc ngay trên nền giếng cổ.
Ghi nhận thực tế tại đây cho thấy chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hóa đang trùng tu, tôn tạo rất nhiều các hạng mục công trình tại di tích lịch sử đền Lê Văn Hưu. Nhiều hạng mục trong khuôn viên di tích đã cơ bản hoàn thành, riêng hạng mục giếng Ngọc đã được chủ đầu tư phá bỏ, đang tiến hành làm phần móng giếng. Công trình hiện đã tạm dừng thi công sau khi vấp phải sự phản đối của người dân.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thiệu Hóa, đơn vị được UBND huyện Thiệu Hóa giao trách nhiệm thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Lê Văn Hưu - cho biết đơn vị thi công đúng theo như thiết kế bản vẽ đã được Bộ VH-TT-DL thẩm định, còn giếng cổ này có từ khi nào ông cũng không được rõ.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 20/3, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã có ý kiến chỉ đạo ngành chức năng làm rõ vụ việc phá bỏ giếng cổ tại...