Vụ ông Vương Tấn Việt không dự thi tốt nghiệp cấp 3: Bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ có bị thu hồi?
Ông Vương Tấn Việt chưa tốt nghiệp THPT nên chưa đủ điều kiện đào tạo trình độ đại học và các văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ và đại học sẽ bị thu hồi, huỷ bỏ.
Như PLO đã đưa tin, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hoá của ông Vương Tấn Việt (thượng toạ Thích Chân Quang) gửi Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ nội vụ.
Theo đó, sau khi xác minh xác định được kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959 như sau:
- Không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.
- Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Như vậy, với kết quả nêu trên đã thể hiện ông Vương Tấn Việt không có văn bằng tốt nghiệp cấp ba.
Ngay sau kết quả trên được công bố Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết chưa nhận được bất kỳ văn bản, thông tin chính thức nào liên quan đến bằng tốt nghiệp bổ túc văn hoá của ông Vương Tấn Việt. Đại diện trường cũng cho biết khi nhận được chỉ đạo của cơ quan quản lý hoặc thông tin từ những nguồn chính thức, trường sẽ thực hiện các quy trình theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Thượng tọa Thích Chân Quang (Vương Tấn Việt) nhận bằng tiến sĩ tháng 4-2022. Ảnh: Website GHPG Việt Nam.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Giới, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Hiện nay Bộ GD&ĐT đã ban hành những thông tư riêng để quy định về quy chế đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Theo đó, khoản 3 Điều 20 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021 của Bộ GD&ĐT quy định người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.
Khoản 1, Điều 5 Thông tư 08/2022 của Bộ GD&ĐT cũng đã nêu rõ điều kiện dự tuyển khi tuyển sinh đại học bắt buộc đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT.
Tương tự đối với quy chế tuyển sinh và đạo tạo trình độ thạc sĩ, điểm a khoản 3 Điều 16 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 23/2021 quy định: “Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ.
Trường hợp học tiến sĩ, điểm b khoản 5 Điều 21 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 18/2021 cũng nêu rõ nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện trong những trường hợp: Hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo.
Căn cứ vào các thông tư trên có thể thấy theo quy chế hiện nay thì một cá nhân phải tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện dự tuyển học đại học, phải có văn bằng tốt nghiệp đại học mới đủ điều kiện học thạc sĩ và phải có văn bằng tốt nghiệp thạc sĩ mới đủ điều kiện tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ.
Do vậy, ngay từ đầu không có văn bằng tốt nghiệp THPT/sử dụng văn bằng giả để dự tuyển đã không đủ điều kiện học trình độ đại học và văn bằng đại học sẽ bị thu hồi, huỷ bỏ. Điều này kéo theo văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ sau đó cũng sẽ bị thu hồi, huỷ bỏ.
Theo Luật sư Trần Văn Giới, tại chương IX của Quy chế Ban tăng sự trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 quy định về tiêu chuẩn Giới được tuyển chọn thụ Giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni bắt buộc phải có trình độ văn hoá phổ thông trung học hoặc tương đương.
Trao đổi với PLO, Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, thông tin về bằng cấp của Thượng tọa Thích Chân Quang đã được Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời.
Ông Quang đề nghị phóng viên liên hệ với Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tìm hiểu thêm vì vấn đề này thuộc bộ phận này phụ trách. Chúng tôi đã liên hệ với Trưởng ban Giáo dục Phật giáo, Hoà thượng Thích Thanh Quyết, nhưng chưa nhận được phản hồi của ông. Ngay sau khi có phản hồi, chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc.
Liên quan việc ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) "chưa tốt nghiệp bổ túc văn hóa”, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ GD-ĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ
Nguồn: [Link nguồn]