Vụ ông Trần Văn Truyền: Tiền đâu xây dinh thự?
“Cần phải xác định rõ tiền mua, xây dựng những ngôi nhà đó lấy ở đâu ra”, đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo bày tỏ.
Ngày 21/11 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất.
Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre.
Bên hành lang Quốc hội ngày 24/11, đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội trao đổi với phóng viên về câu chuyện liên quan đến tài sản nhà đất của ông Trần Văn Truyền.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Ông đánh giá thế nào về việc công bố kết luận kiểm tra đối với một cán bộ cấp cao như ông Trần Văn Truyền?
Khi Quốc hội chất vấn sự việc ông Trần Văn Truyền tại nghị trường Quốc hội (kỳ họp thứ 7, tháng 6/2014) Tổng Thanh tra Chính phủ nói rằng việc này thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã làm việc rất kịp thời và đưa ra kết luận rõ ràng. Việc này phần nào đã đáp ứng niềm tin của nhân dân.
Trong khối tài sản của gia đình ông Truyền, dư luận đặc biệt chú ý tới khu dinh thự trị giá nhiều chục tỉ đồng đứng tên con trai. Theo ông, Tỉnh ủy Bến Tre có nên làm rõ con trai ông Truyền lấy tiền đâu ra để xây dinh cơ này?
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra kết luận rõ ràng. Còn việc xử lý tiếp theo có thể cần cơ quan pháp luật của Chính phủ làm.
Tôi cho rằng cần phải xác định rõ tiền mua, xây dựng những ngôi nhà đó lấy ở đâu ra. Bất cứ tài sản nào trong diện nghi vấn thì phải điều tra cho rõ để chứng minh cho được nguồn gốc tài sản đó là chính đáng, tiền sạch.
Về việc kê khai tài sản, con ông Truyền là một cán bộ, đảng viên thì cũng phải xem có kê khai không và nếu thuộc thẩm quyền phải khai mà không thực hiện là sai. Nếu có khai thì phải làm rõ nguồn tiền xây dựng ở đâu ra.
Trường hợp ông Truyền với nhiều nhà đất được cấp rất dễ dàng khiến dư luận băn khoăn liệu có “vấn đề gì” không và có phải điều tra, xử nghiêm trách nhiệm của những cán bộ liên quan?
Khi xử lý một vụ việc thì phải xem xét mọi khía cạnh. Cũng có thể ông Truyền chứng minh nhà đất đó quá rẻ thì ông mua bằng lương nên có thể ông nói điều đó là đúng. Nhưng trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan quản lý, cơ quan cấp nhà cho ông Truyền. Phải quy trách nhiệm của đơn vị cấp nhà, chí ít cũng là cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản của nhà nước, phải xử lý.
Nếu anh cấp đúng thì bây giờ làm gì có chuyện đi thu hồi tài sản? Còn nếu đã thu hồi thì rõ ràng là làm sai, mà đã làm sai thì phải truy trách nhiệm.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không đề cập đến việc ông Truyền bổ nhiệm hơn 60 người trước khi về hưu, nhưng trong họp báo mới đây Thanh tra Chính phủ cũng đã thừa nhận một số trường hợp có khuyết điểm đã được xem xét xử lý. Theo ông có nên làm rõ việc ông Truyền bổ nhiệm cán bộ như trên không?
Theo quy định, trong vòng 6 tháng trước khi nghỉ hưu, người giữ chức vụ không được ra các quyết định về công tác tổ chức nhân sự. Làm sai thì phải xử lý.
Bên cạnh đó, rà soát lại người được bổ nhiệm vào thời điểm đó. Nếu rà soát lại thấy quy trình thủ tục bổ nhiệm đúng duy chỉ có thời điểm ký bổ nhiệm là không hợp lý thì không sao. Nhưng rà soát lại những người không đúng như không có trong quy hoạch hoặc không đủ trình độ năng lực thì phải xem xét lại.
Về những vi phạm chính sách nhà đất của ông Trần Văn Truyền Bên hành lang Quốc hội chiều 24/11, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói: Luật pháp hiện hành đã quy định khá đầy đủ và không cho đưa ra một tấm lá chắn nào cho những cán bộ có sai phạm về hưu có thể hạ cánh an toàn. Sự việc của ông Trần Văn Truyền còn cho thấy, khi còn đương chức anh có thể “ém” đi các thất thoát, vi phạm nhưng khi về hưu nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì anh vẫn bị xử lý. Điều khá hay ở chỗ sự việc được đưa ra ánh sáng dựa vào dư luận, thông tin của cử tri. Ngoài ra, những sai phạm đối với tài sản không hợp pháp là phải thu hồi, đây cũng là một trong những yêu cầu của chống tham nhũng. Vấn đề thứ hai là kê khai tài sản. Sau 20 năm xây dựng kinh tế thị trường, trong cán bộ Đảng viên có chức quyền có điều kiện để làm giàu, có tài sản… trước hết chưa thể kết luận là đúng hay sai. Họ có thể không làm ra tiền nhưng vợ, con họ làm ra. Nếu họ không kê khai tài sản đầy đủ thì đây là khuyết điểm. Còn không kê khai trung thực, tài sản bất hợp pháp thì rõ ràng đây là sai phạm nặng. Cán bộ có chức có quyền, có tài sản là vài ba căn nhà, xe hơi, đất đai… nếu tất cả đều hợp pháp thì việc gì anh không kê khai, giấu giếm? |