Vụ ô tô lao xuống sông Đồng Nai: Lan can cầu không giữ được mạng người
Sau khi chiếc ô tô lao xuống sông Đồng Nai mới đây, dư luận đặt vấn đề về chất lượng công trình và trách nhiệm các đơn vị liên quan.
Liệu thiết kế lan can cầu có bảo đảm an toàn trước những tình huống bất ngờ?
Ngày 15-12, Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đơn vị đã che chắn khu vực lan can bị ô tô tông gãy trên cầu Đồng Nai.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước đó, ngày 14-12, chị T.T.N (22 tuổi, ngụ Đồng Nai) lái ô tô 4 chỗ trên Quốc lộ 1 theo hướng TP HCM về Đồng Nai. Khi qua cầu Đồng Nai được 100 m, xe bất ngờ lao xuống sông. Đến khuya cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể chị N.
Điều tra ban đầu cho thấy vị trí ô tô rơi là khe hở giữa 2 cầu Đồng Nai cũ và mới, rộng khoảng 3 m, độ cao của cầu so với mặt nước gần 20 m. Vị trí xảy ra vụ việc là tại cầu Đồng Nai (cũ); lan can bằng thép hợp kim cao 60 cm bảo đảm đúng thiết kế, tiêu chuẩn và đồng bộ với các cây cầu trên Quốc lộ 1. Ngoài ra, 2 bên cầu còn có gờ lan can cao khoảng 25 cm, gờ chắn lề cho người đi bộ cao 30 cm, rộng 1,5 m.
Từ vụ việc trên, dư luận đặt vấn đề về chất lượng và quy chuẩn xây dựng lan can cầu, đường. Nhiều người cũng thắc mắc đơn vị nào chịu trách nhiệm trong tai nạn nêu trên và các vụ việc tương tự?
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, nhìn nhận với tai nạn nêu trên, cần xem xét nhiều yếu tố để xác định trách nhiệm, bao gồm từ phía đơn vị thiết kế, thi công, chủ đầu tư, cơ quan giám sát an toàn giao thông và cả nạn nhân.
Về phía nạn nhân, cần xác minh chị T.T.N có tuân thủ đúng làn đường dành cho ô tô hay đã lấn sang hành lang đi bộ, dẫn đến việc đâm vào lan can? Ngoài ra, cần kiểm tra dữ liệu từ hộp đen hoặc camera giao thông để xác định chị N. có chạy đúng tốc độ cho phép hay không.
Nếu chị T.T.N có lỗi - như không có giấy phép lái xe, chạy vượt tốc độ, phương tiện không đạt chuẩn - thì nạn nhân có thể phải chịu một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm.
Trong khi đó, luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, cho biết mọi cây cầu khi đưa vào sử dụng đều được nghiệm thu, đánh giá an toàn. Vì vậy, khó có thể cho rằng lỗi thuộc về đơn vị thiết kế, thi công hay chủ đầu tư.
Trường hợp cơ quan chức năng tiếp tục xác minh nguyên nhân xảy ra vụ việc, nếu ai khác có hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn thì có thể khởi tố vụ án và tiếp tục tiến hành điều tra. Với trường hợp này, người liên quan tai nạn có thể bị xử lý.
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, nếu cơ quan giám sát giao thông không thực hiện kiểm tra định kỳ hoặc không xử lý tình trạng xuống cấp của cầu, dẫn đến tai nạn xảy ra, cơ quan này có thể bị truy cứu theo điều 360 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng trục vớt chiếc ô tô gặp nạn trên sông Đồng Nai Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Cần tính đến độ bền và cấu trúc lan can cầu
KTS Trương Nam Thuận, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh, cho biết hiện nay, các tiêu chuẩn thiết kế lan can cầu chủ yếu tập trung vào mục đích bảo vệ người tham gia giao thông khỏi các va chạm, ngã rơi.
Tuy nhiên, phần lớn những tiêu chuẩn này chưa đủ mạnh để đối phó các tình huống bất ngờ như: tai nạn nghiêm trọng, nơi phương tiện có thể văng ra khỏi cầu và rơi xuống sông. Điều này cho thấy các thiết kế hiện tại chưa thực sự đáp ứng được yếu tố bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện khi xảy ra tai nạn.
Một trong những vấn đề quan trọng mà các tiêu chuẩn thiết kế cần phải tính đến là độ bền và cấu trúc của lan can cầu. Lan can cần được thiết kế đủ mạnh để chịu được lực va đập mạnh từ các phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện không bị đẩy qua và rơi xuống sông.
Để thực hiện điều này, thiết kế cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với các tình huống bất ngờ. Các yếu tố như chiều cao, độ cứng, vật liệu của lan can cầu phải được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm có thể chống lại lực tác động mạnh. Cấu trúc lan can cũng phải đủ linh hoạt để hấp thụ lực mà không dễ dàng bị phá vỡ trong trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
Tại Mỹ, các tiêu chuẩn thiết kế cầu được quy định bởi Cơ quan Quản lý Giao thông Liên bang (FHWA) và các cơ quan địa phương. Các tiêu chuẩn này rất nghiêm ngặt, đặc biệt trong việc bảo đảm an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông.
Kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường nhận định trong lĩnh vực cầu đường và các dự án giao thông, việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật bắt đầu từ khâu thiết kế là yếu tố tiên quyết. Thiết kế dự án phải được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm các tiêu chuẩn quy định hiện hành và được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, cấp phép.
Sau khi hoàn thiện thiết kế, quá trình triển khai dự án bao gồm các bước: tổ chức gói thầu, lựa chọn nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát. Trong giai đoạn thi công, đơn vị thực hiện phải bám sát hồ sơ thiết kế, đồng thời chịu sự giám sát nghiêm ngặt của các đơn vị tư vấn để bảo đảm mọi quy chuẩn, tiêu chuẩn đều được đáp ứng. Theo ông Tường, yếu tố quan trọng nhất là việc kiểm soát quá trình thi công có tuân thủ đúng các quy định hay không.
Liên quan vụ ô tô rơi khỏi cầu Đồng Nai, ông Tường cho rằng cần chờ kết quả kiểm tra và đánh giá cụ thể từ cơ quan chức năng. Ông nhận định xác suất mà ô tô tông gãy lan can cầu và rơi xuống sông là rất thấp. Đây chỉ là rủi ro nhỏ, không xuất phát từ lỗi của đơn vị thi công hoặc thiết kế.
Trong khi đó, TS Chu Công Minh, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, cho biết cầu Đồng Nai được thiết kế phù hợp với quy chuẩn Việt Nam về lan can cầu đường bộ.
"Lan can cầu đường bộ được thiết kế nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Với ô tô chạy tốc độ cao, khi tông vào lan can cầu, làm gãy là điều khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là cách thức nữ tài xế xử lý tình huống khi sự cố xảy ra vì ô tô của chị có gầm khá thấp, việc leo lên lề bộ hành cao 30 cm không dễ. Do đó, cần chờ kết luận của cơ quan điều tra để rõ thêm thông tin" - TS Chu Công Minh phân tích.
Qua vụ tai nạn nêu trên, TS Minh cũng bày tỏ lo ngại khi hiện nay, nhiều người điều khiển ô tô chưa có kỹ năng thoát hiểm khi xe rơi xuống nước. Khi rơi xuống nước, nếu cửa đóng kín, ô tô sẽ không chìm ngay mà nổi lềnh bềnh khoảng 15 phút. Nếu bình tĩnh và có kỹ năng thoát hiểm, chỉ cần 5 phút, người ngồi trong xe hoàn toàn thoát ra ngoài được.
CLIP trục vớt ô tô dưới sông Đồng Nai
Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình...
Nguồn: [Link nguồn]