Vụ nổ súng ở Đắk Nông: Rà soát lại việc sử dụng đất

Vụ án do một nhóm dân dùng súng tự chế bắn chết 3 người, bị thương 16 người tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức hiện đã có quyết định khởi tố vụ án, lệnh truy nã và quyết định khởi tố bị can Đặng Văn Hiến (SN 1976, trú tại huyện Tuy Đức) để điều tra.

Vụ nổ súng ở Đắk Nông: Rà soát lại việc sử dụng đất - 1

Hiện trường nơi Cty Long Sơn đưa máy móc vào san ủi

Sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan tư pháp là cần thiết nhưng một giải pháp căn cơ để ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương này cũng cần được đặt ra.

Bất bình dồn nén đã lâu

Trước đó, cơ quan điều tra đã tạm giữ ông Hoàng Văn Thắng, bà Mai Thị Khuyên (vợ ông Hiến) và ông Trường (em vợ ông Hiến) để lấy lời khai. Ba đối tượng liên quan là Ninh Viết Thọ, Ninh Viết Vương (em họ ông Thọ), Ninh Viết Bình (em ruột ông Thọ) đã bỏ trốn.

Ngày 27/10, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Cường Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho biết đang xem xét khả năng truy nã các đối tượng này. Công an tỉnh đã có thư kêu gọi người phạm tội đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng, tại cơ quan công an nơi gần nhất. 

Còn bác sĩ Ngô Thị Kim Hồng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông xác nhận hiện 11 nạn nhân trúng đạn hoa cải trong vụ xả súng vẫn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện này, đa số ổn định sau phẫu thuật, chỉ có một trường hợp bị tổn thương não đã được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh.

Trả lời phỏng vấn, lãnh đạo huyện Tuy Đức xác nhận vụ xung đột chết người là do Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Long Sơn (Cty Long Sơn) tự ý tổ chức ủi phá cây trồng của người dân để lấy đất, dù chưa thỏa thuận được việc đền bù. Hồ sơ cho thấy, từ năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định cho Cty Long Sơn từ tỉnh Bình Phước lên thuê hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để trồng cây hàng năm. 

Do từ trước đó trên vùng đất này đã có nhiều hộ dân vào khai hoang canh tác, nên giữa Cty Long Sơn với nhiều hộ dân liên tục mâu thuẫn. Nhiều chủ hộ khẳng định khoản bồi thường, hỗ trợ mà Cty Long Sơn đưa ra quá thấp, nên quyết liệt chống đối, dẫn đến nhiều vụ ẩu đả, thậm chí đâm chém đổ máu giữa người dân địa phương với nhân viên Cty Long Sơn.

Tháng 3/2015, Cty Long Sơn từng để cho 6 nhân viên mang dao, rựa xông vào nhà dân đánh chém, khiến ông Trần Văn Thanh bị chấn thương sọ não trong tình trạng nguy kịch, thương tích tới 90%. Nhiều người khác trong gia đình này thương tích đầy mình, gãy cả chân tay. Tuy vụ việc đã được khởi tố, nhưng xét xử chưa xong, tới nay các nạn nhân vẫn đang khiếu kiện. Tháng 3/2016, cũng tại tiểu khu 1535, hàng chục người dân mang gậy gộc ẩu đả với cán bộ nhân viên Cty Long Sơn, đánh một cán bộ của công ty này trọng thương.

Mong muốn chính đáng của dân nghèo

Trước tình hình nóng bỏng, phức tạp về tranh chấp đất đai của huyện Tuy Đức, tháng 7/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ về tận nơi,  thống nhất các chủ trương, giải pháp tháo gỡ với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Phó Thủ tướng đã yêu cầu chính quyền địa phương phải sớm tổ chức định cư, định canh cho đồng bào 2 xã Đắk Ngo và Quảng Trực, không cho phép lập thêm các dự án đầu tư mới.

Vụ nổ súng ở Đắk Nông: Rà soát lại việc sử dụng đất - 2

Một người dân thẫn thờ bên gốc điều còn lại trên rẫy nhà bị can Đặng Văn Hiến

Tuy nhiên, sáng 23/10, Cty Long Sơn lại tự ý kéo đông người tới san ủi khu đất đang tranh chấp với gia đình ông Hoàng Văn Thắng, khiến một nhóm người manh động lia súng bắn xối xả, khiến 3 thanh niên nghèo làm thuê cho chủ dự án, tuổi đời mới 16 đến 25 chết tại chỗ, và 16 người bị thương. 

Vụ án này là đỉnh điểm của những mâu thuẫn tích tụ, giữa một bên là những nông dân luôn bị đe dọa cưỡng chế tài sản, trục xuất ra khỏi nơi cư trú và canh tác, với một bên là doanh nghiệp đã được tỉnh giao đến hơn 1.000 ha đất để triển khai “dự án nông lâm”, trong khi họ chưa thực hiện đúng và đủ các chủ trương về thỏa thuận đền bù hỗ trợ cho người dân bị mất đất.

UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các sở ngành và chính quyền cấp huyện phải khẩn trương rà soát lại tình hình sử dụng đất, xác định rõ ranh giới vùng đất nào đã thỏa thuận xong, để các bên yên tâm sản xuất. Thực tế, chỉ riêng một huyện Tuy Đức đã có tới hơn hai mươi dự án được duyệt cấp hàng vạn hécta đất và đất rừng. 

Không ít báo cáo của tỉnh Đắk Nông từng chỉ rõ: Nhiều dự án trong số đó không những chưa có đóng góp đáng kể nào cho kinh tế - xã hội địa phương, mà còn để xảy ra nhiều vụ phá rừng trên quy mô lớn và gia tăng tình trạng xung đột, gây bất ổn an ninh trật tự.

Chỉ riêng huyện Tuy Đức đã có tới hơn hai mươi dự án được duyệt cấp hàng vạn hécta đất và đất rừng. Không ít báo cáo của tỉnh Đắk Nông từng chỉ rõ: Nhiều dự án trong số đó không những chưa có đóng góp đáng kể nào cho kinh tế - xã hội địa phương, mà còn để xảy ra nhiều vụ phá rừng trên quy mô lớn và gia tăng tình trạng xung đột, gây bất ổn an ninh trật tự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thiên Nga (Tiền Phong)
3 bảo vệ rừng bị bắn chết ở Đắk Nông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN