Vụ nhặt được 5 triệu Yên: Sở thích kì lạ của nữ "tỷ phú"
Chị Hồng kể, 2 ngày trước thời điểm nhặt được 5 triệu Yên trong loa thùng sắt, chị nhặt được 2 ông thần tài, thổ địa bị gia chủ vứt nằm lăn lóc bên đường. Chị liền đem về nhà lau chùi để thờ.
Kể từ ngày vợ chồng anh Trịnh Minh Vương (36 tuổi) và vợ Huỳnh Thị Ánh Hồng (34 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi) nhặt được 5 triệu Yên Nhật đến nay, cuộc sống của vợ chồng nữ "tỷ phú" này vẫn không có gì thay đổi ngoài việc anh Vương đã về quê làm ruộng, chăn bò và nuôi 2 đứa con nhỏ ăn học.
Được thần tài phù hộ?
Căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp, nằm sâu trong con hẻm 84 đường Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) là nơi sinh sống của “tỷ phú” ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng cùng hơn chục đồng nghiệp.
Hằng ngày, chị Hồng cùng chiếc xe đẩy rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn để thu mua ve chai.
Đẩy xe ve chai vào nhà trọ, chị Hồng tất tả dỡ hàng, rửa vội mặt mũi rồi vào ăn cơm với các đồng nghiệp. Chị Trang ở cùng phòng với chị Hồng vừa ăn vừa nói dí dỏm: “Cái Hồng nó sắp thành tỷ phú rồi”. Chị Hồng liền ngắt lời: “Tỷ phú gì tỷ phú. Tiền đó, nhặt của người ta chứ đâu phải của vợ chồng em. Tụi em giờ còn chưa biết số tiền gửi bên công an đã có người nhận chưa. Nếu gia chủ đến nhận em cũng vui vẻ, không có gì phải than phiền”.
Về thời điểm nhặt được tiền, chị Hồng kể: Khoảng tháng 11/2013, khi chị đẩy xe trên đường Trần Văn Quang (quận Tân Bình) để thu mua ve chai, có một người đàn ông ăn mặc tuềnh toàng đứng gần đó gọi đến bán cho cái loa thùng sắt với giá 100.000 đồng. Thời điểm này, giá sắt, đồng rẻ nên chị mang về bỏ vào đống phế liệu, chờ khi nào được giá thì phá để lấy đồng bán.
Trong căn nhà trọ, chị Hồng thờ gần chục ông thần tài, thổ địa.
Đến chiều ngày 21/3/2014, vợ chồng chị mang loa thùng ra tháo ốc vít để lấy đồng bán thì phát hiện bên trong có một hộp gỗ dài khoảng 20cm, rộng khoảng 15cm và nằm khá sâu. Khi chiếc hộp gỗ được mở bung, nhiều tờ tiền bay ra bên ngoài, mọi người xúm lại nhặt. “Lúc đó, tôi cứ tưởng tiền âm phủ chứ không biết đó là tiền Nhật”, chị Hồng kể. Nghe tin vợ chồng ve chai trúng tiền tỷ, nhiều thanh niên lạ mặt đến đòi chia tiền. Quá hoảng sợ, vợ chồng chị Hồng gọi điện báo cho công an và giao toàn bộ số tiền 520 tờ mệnh giá 10.000 Yên Nhật (tương đương hơn 1 tỷ đồng Việt Nam) cho công an xử lý.
“Nếu được hưởng một phần số tiền trong chiếc loa thùng cũ, tôi sẽ cho mấy chị mua bán ve chai mỗi người một ít xem như lộc trời ban cho. Số còn lại để sửa căn nhà ngoài quê, và dành để nuôi hai đứa con ăn học nên người”, chị Hồng chia sẻ. |
Chị Hồng kể, 2 ngày trước thời điểm nhặt được 5 triệu Yên trong loa thùng sắt, chị nhặt được 2 ông thần tài, thổ địa bị gia chủ vứt nằm lăn lóc bên đường Trần Văn Quang. Chị đem về nhà lau chùi để thờ. “Chắc được các vị ấy phù hộ”, chị Hồng cười nói.
“Cả nhà này chỉ có nó có sở thích khác người, thích sưu tầm ông thần tài, thổ địa bị người ta bỏ”, chị Trang nói góp vào câu chuyện.
Nói về “sở thích” sưu tầm các ông thần tài, thổ địa, chị Hồng cho biết: “Hằng ngày, đẩy xe ve chai ngoài đường, tôi thấy có nhiều tượng ông thần tài, thổ địa bị người ta vứt bỏ nằm lăn lóc. Có tượng bị bể, có tượng còn lành nhưng vẫn bị vứt vào đống rác. Thấy thương nên tôi đều mang về nhà thờ. Số lượng ông thần tài, thổ địa tôi đem về nhà trọ đã lên đến cả trăm. Khi tượng nhiều, tôi lại mang lên chùa để gửi”.
Chịu khổ để mong con nên người
Căn nhà chị Hồng trọ có hơn chục người, đều cùng quê Quảng Ngãi. Họ lam lũ, khổ cực, quần tụ với nhau tại căn nhà được chủ đại lý ve chai cho thuê rẻ để ở, với điều kiện ve chai mua được phải về bán lại cho chủ nhà trọ. Tất cả họ rời quê vào Sài Gòn mưu sinh mong kiếm được tiền gửi về quê cho con, em được ăn học đàng hoàng, thoát khỏi cảnh khổ cực như họ.
Hằng ngày, những người ve chai ở căn nhà này miệt mài cùng chiếc xe đẩy rong ruổi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Có ai bán ve chai họ mua, không có thì họ lại đến các thùng rác tìm nhặt những thứ có thể bán được.
Bữa cơm lấy sức sau một ngày làm việc của những người phụ nữ làm nghề ve chai.
Khi nghe tôi hỏi về những khó khăn trong nghề, một chị trạc tuổi 40 cười nói: “Đã làm cái nghề này phải xem khó khăn như một điều hiển nhiên em à. Chúng tôi đi bộ suốt cả ngày. Một số người bị bệnh viêm khớp nhưng vẫn phải cố đi. Không đi thì lấy gì mà ăn, lấy tiền đâu gửi về quê cho con ăn học”.
Theo chị Trang, mọi người ở đây sống rất đoàn kết, yêu thương nhau. Mỗi khi có người bị ốm, cả nhà ai nấy đều lo lắng. Người được phân công nấu cháo, người ở nhà để chăm sóc, mua thuốc…
Chị Trang cho biết: “Công việc khổ cực nhưng mỗi tháng ăn uống tằn tiện, mỗi người cũng dư được 3-4 triệu. Số tiền này gửi về cho gia đình. Tôi chịu cực để con ở nhà an tâm học hành. Mỗi khi ở ngoài quê có con, em nào thiếu tiền mua sách vở, đóng học phí, mọi người đều góp tiền lại để cho mượn gửi về quê”.
Làm lụng cực khổ nên hai vợ chồng anh chị Hồng chưa bao giờ dám mơ đến một ngày trở thành tỷ phú. “Dù có là tỷ phú hay triệu phú, tôi vẫn không rời bỏ công việc hiện tại. Nếu tìm được chủ sở hữu 5 triệu Yên kia thì trả cho họ thôi, còn không có ai nhận, tôi chỉ mong được cho một khoản nào đó để làm ăn, nuôi con ăn học, sửa lại căn nhà dột nát ở quê và trả ơn những người giúp đỡ mình", chị Hồng nói.