Vụ "nhà mua 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc": Chánh án TAND TP.HCM làm việc với ông Quyện
TAND TP.HCM có văn bản yêu cầu chánh án TAND quận Tân Bình chỉ đạo thẩm phán đeo bám hồ sơ, xử lý quyết liệt vụ án, thu thập chứng cứ khắc phục các nội dung theo bản án giám đốc thẩm.
TAND TP.HCM vừa có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Quyện - nguyên đơn của vụ án "Mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc" để giải quyết đơn tố cáo của ông Quyện.
Theo đơn, ông Quyện phản ánh chánh án TAND quận Tân Bình và thẩm phán được phân công vụ án giải quyết trì hoãn việc đưa vụ án ra xét xử dù thụ lý lại đã hơn hai năm (ngày 16-12-2020). Những vấn đề mà quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM chỉ ra khi hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vẫn chưa được thực hiện. Thẩm phán mở phiên tòa vào ngày 27 tháng Chạp dù đương sự ở Hà Nội, khó khăn đi lại trong dịp cận Tết, khiến phiên tòa phải hoãn vì vắng bị đơn và người liên quan.
Ông Nguyễn Văn Quyện theo kiện đã gần 10 năm. Ảnh: PL
Tại buổi làm việc, ông Quyện đề nghị TAND TP.HCM giải quyết đơn tố cáo, thông báo cho ông biết nội dung tố cáo đúng sai chỗ nào.
Sau khi lắng nghe nội dung tố cáo, ông Lê Thanh Phong, chánh án TAND TP.HCM, đã có chỉ đạo:
Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng kiểm tra, xem xét đơn tố cáo của ông Quyện, nghiên cứu hồ sơ xem xét trách nhiệm của chánh án TAND quận Tân Bình có đôn đốc thẩm phán giải quyết hồ sơ của hai giai đoạn thụ lý hay không.
Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án xem xét và có văn bản yêu cầu chánh án TAND quận Tân Bình, thẩm phán giải quyết hồ sơ xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, bản án giám đốc thẩm, làm rõ các tình tiết vụ án, tránh ảnh hưởng quyền lợi của người dân, chỉ đạo thẩm phán đeo bám hồ sơ, xử lý quyết liệt vụ án, thu thập chứng cứ khắc phục các nội dung theo bản án giám đốc thẩm.
Ông Quyện yêu cầu thay thẩm phán Về việc ông Quyện yêu cầu thay đổi thẩm phán chỉ vài ngày trước ngày tòa mở lại phiên xử (ngày 12-4), Chánh án TP.HCM cho rằng đây là quyền của ông nhưng cần cân nhắc xem có cần thiết không, vì cần phải chứng minh sự không vô tư. Rồi thẩm phán mới được phân công giải quyết cần thời gian để nghiên cứu hồ sơ. Ngoài ra, ông Quyện còn quyền kháng cáo nếu thấy tòa sơ thẩm giải quyết không thỏa đáng Tuy nhiên, ông Quyện cho biết thà mất thêm thời gian chứ không chấp nhận việc làm vi phạm tố tụng của thẩm phán (vi phạm thời gian hoãn phiên tòa, âm thầm tổ chức đối chất giữa bị đơn và người liên quan mà không thông báo cho ông biết). |
Đây là vụ án được dư luận quan tâm với tình tiết "Mua nhà mua 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc" mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần thông tin.
Ngày 2-10-2014, ông Quyện nộp tiền trả nợ trước hạn cho ngân hàng để lấy giấy tờ nhà, đất 335 bis Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình đang thế chấp ra. Cùng ngày, vợ chồng ông ký công chứng chuyển nhượng và giao bản chính giấy tờ nhà, đất cho Trường.
Ngay hôm sau, Trường đã cập nhật, sang tên xong. Chỉ 14 ngày sau khi ký hợp đồng và còn thiếu 47 tỉ thì Trường đã đại hạ giá còn 28 tỉ và chuyển nhượng cho bà Hoàng Ngọc Điệp. Ông Quyện phát hiện nên tháng 11-2014, ông Quyện đi kiện hủy hợp đồng với Trường.
Trường thừa nhận hợp đồng mua bán giữa Trường và bà Điệp là hợp đồng giả cách để che khoản vay 28 tỉ đồng. Món nợ này, Trường sẽ tự tính với bà Điệp. Đồng thời, Trường chấp nhận xem số tiền 11 tỉ đồng đã thanh toán cho ông Quyện là tiền đặt cọc mua nhà.
Tuy nhiên, xử sơ thẩm và phúc thẩm, cả TAND quận Tân Bình và TAND TP.HCM đều bác yêu cầu của ông Quyện, buộc gia đình ông phải ra khỏi nhà để trả nhà cho bà Điệp.
Ngày 3-11-2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án, giao hồ sơ cho tòa sơ thẩm xử lại. Theo quyết định giám đốc thẩm, căn cứ Điều 425 BLDS 2005, cần tôn trọng sự thỏa thuận giữa ông Quyện và Trường về việc hủy hợp đồng khi Trường không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán. Căn cứ Điều 122, Điều 168 BLDS 2005, Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì hợp đồng giữa Trường và bà Điệp chưa có hiệu lực do bà Điệp vẫn chưa đăng bộ, sang tên...
HĐXX đã hoãn phiên tòa vì vắng đương sự; chưa thông báo ngày mở lại phiên tòa.
Nguồn: [Link nguồn]