Vụ nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19: VKS đề nghị mức án

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Sau bản luận tội, đại diện VKS Hà Nội đã đề nghị mức án đối với cựu Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm.

Sáng 11/12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hà Nội) và 9 bị cáo khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo tại phiên xét xử

Các bị cáo tại phiên xét xử

Sau một ngày xét xử, đại diện VKS Hà Nội cho rằng, kết quả điều tra, thẩm vấn tại phiên toà, thấy truy tố 10 bị cáo trong vụ nâng khống thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 theo tội danh Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hoàn toàn có căn cứ, đúng người đúng tội.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế trong việc đấu thầu hoạt động kinh tế của Nhà nước. Bởi khi cả nước đang tập trung nguồn lực chống dịch như chống giặc, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khoẻ, sinh mạng cho người dân thì các bị cáo đã thông đồng với đối tượng bên ngoài nâng khống các thiết bị y tế gây thiệt hại cho Nhà nước hàng tỉ đồng.

“Hành vi của các bị cáo làm xấu hình ảnh của các y bác sĩ, các cá nhân, đơn vị đang trực tiếp phòng chống dịch, gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước”, đại diện VKS nói.

Từ bản luận tội, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội - CDC Hà Nội) 10 đến 11 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng phòng Tài chính kế toán) 7 đến 8 năm tù; Hoàng Kim Thư (Kế toán trưởng) 2 đến 3 năm tù; Lê Xuân Tuấn (cán bộ Phòng Tài chính kế toán) 2 đến 3 năm; Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng Tổ chức hành chính) 5 đến 6 năm tù và Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ) 5 đến 6 năm tù.

Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) 7 đến 8 năm tù; Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành) 6 đến 7 năm tù; Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech) 6 đến 7 năm tù và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) 5 đến 6 năm tù.

Theo cáo trạng, đầu năm 2020, CDC Hà Nội mua hệ thống Realtime PCR tự động để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19. Việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo hình thức chỉ định thầu do thời gian gấp.

VKS cho rằng quá trình thực hiện, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã cấu kết với một số doanh nghiệp tư nhân gian lận giá bán thiết bị. Sau đó, bị cáo Cảm chỉ đạo cấp dưới hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định công ty trúng thầu.

Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

Cơ quan điều tra xác định, tổng số các thiết bị y tế mua là hơn 4 tỷ đồng, được nâng khống thành hơn 9 tỷ đồng. Theo đó, số tiền nhà nước bị thiệt hại là hơn 5 tỷ đồng.

Vụ nâng giá máy xét nghiệm: 'Không có tình tiết giảm nhẹ đâu'

"Ăn quá dày! Có 2 tỉ mà nâng lên 6 - 7 tỉ. Việc này sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định. Các đối tượng này không có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN