Vụ mổ nhầm chân: Người nhà bệnh nhân nói gì?
“Bình thường chân phải đã bị tật, giờ lại bị mổ nhầm thì không biết chân có hồi phục được không, đi lại thế nào. Bây giờ lỡ chân phải hỏng nốt, ngồi một chỗ không biết sau này cuộc sống sẽ ra sao”, người nhà bệnh nhân bị mổ nhầm chân chia sẻ.
Người nhà lo lắng anh Thao sẽ đi lại sẽ khó khăn hơn sau sự cố
Chiều 19/7, tại Khoa Chấn thương chỉnh hình 3 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật điều trị chứng liệt cơ ở chân trái cho anh Trần Văn Thao (37 tuổi, ở Ứng Hòa – Hà Nội ) nhưng bác sỹ phẫu thuật lại mổ chân phải.
Lo chân phải hỏng nốt
Sau sự việc, người nhà bệnh nhân vô cùng bức xúc. Chia sẻ với phóng viên, chị Trần Thị Thanh (chị anh Thao) cho hay, năm ngoái, anh Thao bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não và tổn thương chân phải. Sau một năm, anh hồi phục dần thì chân trái khó nhấc, đi cà nhắc.
Khi vào bệnh viện hôm 18/7, bác sĩ phát hiện chân trái của anh bị chệch gân và chệch khớp, gân chân không co, liệt dây thần kinh chày trước và được chỉ định mổ chuyển gân chày sau.
"11h ngày 19/7, em tôi được chuyển vào phòng mổ để gây tê và đến khoảng 15h30 thì được chuyển ra ngoài với cả hai chân được băng bó. Chúng tôi hốt hoảng vì trước đó em được chỉ định mổ chân trái thôi", chị Thanh cho biết.
Anh Thao băng bó cả 2 chân sau sự cố mổ nhầm
Chị Thanh được anh Thao kể: "Khi vào phòng phẫu thuật, trong quá trình mổ cho anh, bác sĩ mổ chân phải và xử lý như một ca mổ bình thường. Đến khi ca mổ kết thúc, anh mới nhìn xuống chân và hỏi bác sĩ: "Tại sao không mổ chân trái mà lại mổ chân phải?". Lúc này, bác sĩ nhìn lại bệnh án và tiếp tục mổ nốt chân còn lại.
Chị Thanh cho biết, sau ca mổ, sức khỏe anh Thao đang phục hồi, có thể ăn ít cháo. Tuy nhiên, với tổn thương sọ não vụ tai nạn năm ngoái, cộng thêm sự việc lần này khiến anh Thao vô cùng lo lắng.
“Bình thường chân phải đã bị tật, giờ lại bị mổ nhầm thì không biết chân có hồi phục được không, đi lại thế nào. Bây giờ lỡ chân phải hỏng nốt, ngồi một chỗ không biết sau này cuộc sống sẽ ra sao”, chị Thanh chia sẻ.
Tại buổi họp báo, anh trai bệnh nhân nói thêm: “Là người nhà bệnh nhân, tôi cũng mong muốn em mình đi chữa bệnh sẽ được khỏi bệnh. Vấn đề sai sót như thế nào, bệnh viện cũng đã nói, cũng đã nhận lỗi. Tôi chỉ mong em mình sẽ hồi phục, khoẻ mạnh hơn trước khi đi chữa bệnh”.
Bác sĩ cầm dao mổ được đào tạo chặt chẽ
GS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, những phẫu thuật viên đã được giao cầm dao mổ đều là những người qua quá trình đào tạo chặt chẽ. Vì vậy, bệnh viện sẽ lập hội đồng chuyên môn để đánh giá và đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp với kíp phẫu thuật; đồng thời tìm ra kẽ hở để khắc phục, không để sự cố tương tự tái diễn.
GS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức
Trong buổi họp báo sáng 20/7, GS Giang giãi bày: “Một lần nữa chúng tôi xin lỗi gia đình người bệnh. Chúng tôi hứa sẽ tập trung chuyên môn để bệnh nhân được điều trị tốt nhất”.
Theo GS Giang, hiện tại sau mổ bệnh nhân bình thường, sức khỏe ổn định chưa có bất thường về vết thương.
Cũng theo lãnh đạo bệnh viện, trong sáng nay, bệnh viện quyết định giao cho khoa chấn thương 3, tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất trong quá trình điều trị. Phía bệnh viện sẽ lo toàn bộ kinh phí và theo dõi toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh hiện tại và sau này.
“Đây là sai sót rất hy hữu của bệnh viện. Bệnh viện mong gia đình và báo chí thông cảm để các bác sĩ yên tâm làm việc”, GS Giang nói thêm.
Được biết, bác sĩ mổ chính trong ca phẫu thuật trên là BS Phan Văn H. - Khoa Chấn thương chỉnh hình 3 của Bệnh viện Việt Đức - giảng viên thuộc Bộ môn Giải phẫu - Trường ĐH Y Hà Nội.