Vụ Mi171 rơi: Chiến sĩ duy nhất sống sót đã cử động được

Chiến sĩ Đinh Văn Dương, người cuối cùng sống sót sau vụ máy bay rơi tại Hà Nội đã vận động được.

Trao đổi với phóng viên sáng 2/12, bà Trịnh Thị Đông (mẹ của chiến sĩ Đinh Văn Dương) vui mừng cho biết, chiến sĩ Dương đã vượt qua cửa tử và điều kỳ diệu nhất là chiến sĩ Dương đã vận động được.

Vụ Mi171 rơi: Chiến sĩ duy nhất sống sót đã cử động được - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm chiến sĩ Đinh Văn Dương

“Đến thời điểm này, Dương không phải nằm Khoa Cấp cứu mà chuyển sang Khoa Phục hồi chức năng (Viện Bỏng quốc gia - PV). Tại đây, các bác sĩ, điều dưỡng tập vận động cho Dương”, bà Đông nói.

Bà Đông cho biết thêm, anh Dương không chỉ bình phục về thể trạng mà trí nhớ cũng hồi phục rất tốt, sau khi tập nói, tập uống, tập ăn. Anh Dương nhớ được số điện thoại của vợ, nhớ vợ con, họ hàng, anh em đồng đội.

“Tôi rất vui và chỉ biết nói lời cảm ơn bệnh viện, các bác sĩ thường xuyên túc trực chăm sóc. Giờ đây, Dương đã tỉnh, tôi tràn đầy hạnh phúc vì Dương đang hồi phục dần dần", mẹ anh Dương chia sẻ.

Trước đó, chiến sĩ Đinh Văn Dương đã trải qua 17 lần phẫu thuật, tháo bỏ 2 khớp gối, 10 đầu ngón tay và phần da bị bỏng nặng tạm thời được ghép từ da đồng loại và màng sinh học. 

Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân bị sốc nhược, 2 lần ngừng tim, biến chứng, nôn ra máu, niêm mạc đường thở bong tróc, nhiều lần các bác sĩ thông báo cho gia đình và ban giám đốc bệnh viện rằng chiến sỹ Dương khó qua khỏi.

Nặng nhất là thời điểm một tháng trước, bệnh nhân cùng lúc suy đa phủ tạng, nôn ra 500-700ml máu. Tưởng chừng như bệnh nhân Dương rất khó vượt qua giai đoạn này. Các bác sĩ phải lọc máu, truyền các chế phẩm máu, sử dụng kháng sinh dự phòng, điều trị tích cực.

Đến nay, chiến sĩ Dương trải qua 17 lần ghép da. Bệnh nhân được cai thở máy, rút nội khí quản, tập ăn, tập uống, tập nói. Thời điểm hiện tại đã có thể nói chuyện được như bình thường.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia đánh giá, trường hợp chiến sĩ Dương bình phục sau gần 4 tháng điều trị bỏng sâu, rộng, bỏng hô hấp, đa chấn thương, hội chứng sóng nổ cực kỳ đặc biệt.

Như đã đưa tin, sáng ngày 7/7, máy bay trực thăng Mi-171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân chở 21 cán bộ, chiến sĩ bay huấn luyện nhảy dù đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, Hà Nội.

Đến khoảng 7 giờ 46 phút cùng ngày, do sự cố kỹ thuật, máy bay rơi tại địa phận thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách sân bay khoảng 3km và bốc cháy dữ dội. Phi công được cho là đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư trước khi máy bay rơi xuống đất.

Vụ tai nạn máy bay ở Hòa Lạc khiến 20 chiến sĩ hy sinh, còn thượng úy Đinh Văn Dương bị thương nặng được điều trị tích cực tại Viện Bỏng Quốc gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Máy bay trực thăng rơi ở Hòa Lạc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN