Vụ MH17 khiến Nga và TQ xích lại gần nhau hơn?

Úc lo ngại vụ MH17 sẽ là một cơ hội nữa để Trung Quốc đứng ra bảo vệ và tăng cường quan hệ với Nga.

Ngày 21/7, trong một phiên điều trần trước Quốc hội, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã chỉ trích cách hành xử của các “nước lớn” dẫn đến thảm kịch MH17 khiến 298 người thiệt mạng trên vùng trời khu vực xảy ra chiến sự ở miền đông Ukraine, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng vụ việc này có thể khiến Trung Quốc và Nga “xích lại gần nhau” hơn.

Thủ tướng Abbott cho rằng là hai “nước lớn”, Nga và Trung Quốc phải có trách nhiệm với những gì đã diễn ra ở Ukraine và Biển Đông, hai điểm nóng hiện nay trên thế giới, nơi “hành vi bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn” là không thể chấp nhận.

Vụ MH17 khiến Nga và TQ xích lại gần nhau hơn? - 1

Thủ tướng Úc Tony Abbott (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Ông Abbott tỏ ra lo ngại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể coi thảm họa MH17 là một cơ hội để thúc đẩy quan hệ vốn đã nồng ấm một cách bất thường trong thời gian gần đây với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Trong những ngày gần đây, dư luận phương Tây đã bắt đầu lên tiếng ngày càng mạnh mẽ đối với vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine cũng như trong vụ MH17.

Thượng nghị sĩ Mỹ Diane Feinstein lại tung ra lời công kích quyết liệt nhất đối với ông Putin, đòi ông phải “ra mặt như một người đàn ông” để nhận trách nhiệm dù là gián tiếp đối với thảm kịch trên.

Lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức và Hà Lan cũng cảnh báo rằng Nga sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nếu Tổng thống Putin không gây sức ép để lực lượng ly khai cho phép các nhân viên cứu hộ và điều tra viên được tiếp cận không giới hạn với hiện trường máy bay rơi.

Sau khi nhận được thông tin về thảm kịch MH17 khi đang công du Argentina, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu “Tôi đã bị sốc. Tôi hy vọng một cuộc điều tra công bằng và khách quan sẽ được thực hiện để tìm ra sự thật càng sớm càng tốt”.

Vụ MH17 khiến Nga và TQ xích lại gần nhau hơn? - 2

Ông Tập Cận Bình (phải) đang có chuyến công du Nam Mỹ

Tuy nhiên Thủ tướng Úc lại lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ Nga trước những lời chỉ trích và một cuộc điều tra quốc tế nhanh chóng cũng như bất cứ hậu quả nghiêm trọng nào.

Trong mấy ngày qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có những cuộc thảo luận sôi nổi nhằm ra một nghị quyết về việc tiến hành điều tra nguyên nhân gây ra thảm kịch MH17. Tuy nhiên, có vẻ như đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi đã có những động thái “rào đón” sẵn với tuyên bố: “Ưu tiên của chúng ta hiện nay là tìm ra các sự kiện thực tế. Sẽ không khôn ngoan nếu đưa ra kết luận, giả thuyết hay cáo buộc khi chưa có các dữ kiện đó”.

Tân Hoa Xã còn đi xa hơn với bài bình luận chỉ trích Úc và Mỹ “hấp tấp” trong việc chỉ trích vai trò của Nga trong vụ việc MH17 bị bắn rơi.

Hồi tháng Ba, các quan chức Mỹ đã hiểu nhầm một thông điệp tương tự của Trung Quốc khi họ hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ phản đối động thái sáp nhập Crimea của Nga. Lúc đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power đã tuyên bố: “Nga đang tự thấy mình bị cô lập vô cùng”.

Vụ MH17 khiến Nga và TQ xích lại gần nhau hơn? - 3

Chiến binh ly khai thân Nga canh gác tại hiện trường MH17 rơi

Thế nhưng, cuối cùng Trung Quốc lại không chấp nhận một nghị quyết của Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng hành động sáp nhập Crimea là bất hợp pháp. Sau động thái này của Trung Quốc, quan hệ Nga-Trung chợt ấm lên một cách bất thường, với hàng loạt hợp đồng kinh tế, thương mại trị giá nhiều tỉ USD được ký kết giữa hai nước.

Phát biểu trước quốc hội Nga hôm 18/7, Tổng thống Putin nói: “Chúng ta cảm ơn tất cả những người đã thấu hiểu hành động của chúng ta ở Crimea; chúng ta cảm ơn lãnh đạo Trung Quốc đã luôn xem xét tình hình ở Ukraine và Crimea trong bối cảnh lịch sử và chính trị toàn diện”.

Đến tháng Năm, sau khi Trung Quốc đơn phương kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế như Nhật, Mỹ, Philippines đều lên tiếng ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc, Nga hầu như không có bất cứ một động thái nào thể hiện quan điểm của mình đối với hành vi sai trái của Bắc Kinh.

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào tháng Ba năm ngoái, ông đã lựa chọn Nga là nơi thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Kể từ đó, ông Tập đã luôn thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ với Nga trong các vấn đề quốc tế, và dường như MH17 sẽ lại là một cơ hội nữa để Trung Quốc thể hiện điều đó với Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo ABC) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia rơi ở Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN