Vụ MH17: Gian nan quá trình nhận dạng thi thể nạn nhân
Các chuyên gia pháp y Hà Lan sẽ làm mọi thứ có thể để trả lại đúng thi thể của các nạn nhân xấu số cho những người thân của họ.
Sau khi 2 chiếc máy bay quân sự chở các quan tài chứa hài cốt của gần 40 nạn nhân trong vụ rơi máy bay MH17 hạ cánh tại sân bay Eindhoven (Hà Lan), hàng chục nhà khoa học pháp y tại một căn cứ quân sự ở Hà Lan đã chuẩn bị tinh thần cho một công việc gian nan, đó là nhận dạng thi thể.
Tất cả các cơ quan và bộ phận cơ thể của các nạn nhân sẽ được đưa đến căn cứ quân sự Hilversum, Hà Lan, nơi có một nhóm chuyên gia thuộc đơn vị pháp y quốc gia Hà Lan (Landelijk Team Forensische Opsporing - LTFO) sẽ làm mọi thứ có thể để trả lại đúng thi thể của các nạn nhân xấu số cho những người thân của họ.
Lễ đón các thi thể nạn nhân vụ MH17 được thực hiện theo nghi thức quân đội.
“Chúng tôi không biết mỗi thi thể mang quốc tịch gì. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng xác định tất cả các bộ phận. Chúng tôi đang tiếp xúc với các nước khác để cùng nỗ lực phối hợp nhằm xác định chính xác nhất”, nhân viên pháp y Jos van Roo của LTFO nói.
Những chuyên gia pháp y tham gia vào công việc này đều có nhiều kinh nghiệm từ các thảm họa khác trên thế giới, như trận sóng thần năm 2004 tại Indonesia cướp đi sinh mạng của ít nhất 230.000 người, vụ rơi máy bay 771 của hãng hàng không Afriqiyah Airways tại Tripoli, Libya trong năm 2010 làm hơn 100 người thiệt mạng, và nhiều sự cố khác ở Hà Lan.
Van Roo nói rằng, “sự bảo quản kỹ lưỡng đã và sẽ tiếp tục được thực hiện đối với các bộ phận, trong sự tôn trọng các nạn nhân và gia đình của họ”.
“Đây là công việc đòi hỏi sự siêng năng”, Van Roo nói. “Có rất nhiều cơ quan và các bộ phận cơ thể được mang về. Tất cả đều phải được kiểm tra và quá trình kiểm tra phải cực kỳ chính xác. Bạn phải chắc chắn rằng bạn không gửi trả sai thi thể cho các gia đình”.
Bên cạnh đó, chuyên gia pháp y di truyền Denise Syndercombe, đang làm việc tại Đại học King College London, cho biết, trong một số trường hợp, việc nhận dạng sẽ dễ dàng hơn nếu nạn nhân có một vết sẹo đặc biệt hoặc nhận dạng thông qua quần áo, thậm chí thông qua một chiếc ví hay hộ chiếu trong túi.
Syndercombe từng tham gia xác định các nạn nhân trong chuyến bay Yemenia 626 bị rơi ở Ấn Độ Dương khi đang trên đường từ Yemen đến Comoros trong năm 2009, làm 152 người chết.
Nếu xét nghiệm ADN là cần thiết thì các chuyên gia cần phải so sánh ADN lấy từ nạn nhân và người thân.
Tuy nhiên, Syndercombe cho biết, một thực tế là rất nhiều gia đình đã chết trên chuyến bay MH17, làm quá trình này trở nên phức tạp hơn chúng ta tưởng. “Trong trường hợp có rất nhiều thành viên của một gia đình cùng đi với nhau, có thể phải dựa trên ADN của những người thân xa hơn”, cô giải thích. “Thế nhưng, một khi xét nghiệm được thực hiện ngoài phạm vi ông, bà hoặc cô dì, chú bác thì nó trở nên khó khăn hơn”.
Đoàn xe tang chở quan tài các nạn nhân tới căn cứ quân sự Hilversum sau lễ đón tiếp.
Trong một số trường hợp, các nhà khoa học có thể phải dựa trên sự so sánh thay thế giữa ADN từ hài cốt và trên bàn chải đánh răng hoặc quần áo thuộc sở hữu của người chết, thay vì ADN từ những người thân của họ.
Van Roo nói họ đã bắt đầu thu thập thông tin chi tiết từ những người thân của các nạn nhân, với hàng chục chuyên viên đi phỏng vấn các thành viên trong gia đình. “Chúng tôi đã làm việc với gia đình của các nạn nhân. Chúng tôi yêu cầu họ mô tả nạn nhân, lấy DNA của họ, ghi chú đặc điểm răng hàm và lấy dấu vân tay”, ông nói với CNN.
Quá trình nói chuyện với người thân có thể tốn nhiều thời gian. “Họ phải cố gắng để có được càng nhiều thông tin càng tốt ngay trong chuyến thăm đầu tiên. Họ không được quên bất kỳ một câu hỏi nào. Sẽ rất đau đớn để trở lại gia đình họ và yêu cầu họ trả lời thêm một số câu hỏi bổ sung”.
“Nếu ai đó không được tìm thấy, hoặc một phần cơ thể không bao giờ được xác định, thì quá trình xử lý phải thực hiện một cách nhạy cảm”, Syndercombe nói.
“Đối với các chuyên gia tại Hilversum, những tuần tới, tháng tới sẽ khá bận rộn và khó khăn, nhưng tất cả mọi người đều thống nhất với một mục tiêu chung”, Van Roo chia sẻ.
Syndercombe thì cho biết, “đó là một công việc khó khăn, nhưng là một công việc tốt. Nó luôn luôn nghiệt ngã, nhưng chúng tôi làm điều này với suy nghĩ chúng tôi đang giúp đỡ người khác”.