Vụ mất nguồn phóng xạ: Dùng máy chuyên dụng dò tìm
Chiều 6.4, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết hợp với Công an tỉnh cùng các ban ngành đã huy động các thiết bị hỗ trợ dò tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Nhà máy thép Pomina 3 (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo đó, chia thành hai đoàn với hai hướng khác nhau để truy tìm nguồn phóng xạ bị nghi bị lấy cắp. Một hướng sẽ dò xung quanh khu vực Công ty thép Pomina 3, nhóm khác sẽ dò tìm phía bên ngoài, cụ thể là các vựa ve chai trên địa bàn. Tuy nhiên, tới chiều 6.4 nguồn phóng xạ bị mất vẫn chưa được tìm thấy. Việc tìm kiếm sẽ được tiếp tục trong ngày 7.4.
Dùng máy để dò tìm thiết bị phóng xạ bị thất lạc.
"Nếu tiếp xúc với nguồn phóng xạ rất nguy hiểm, gây tổn thương cho người tiếp xúc, thậm chí có thể chết ngay" – Cục trưởng cho biết – "Vì vậy việc trước tiên là tìm ra nguồn phóng xạ bị mất, sau đó sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm liên quan tới vụ việc".
Ông Đỗ Vũ Khoa, Phó phòng An toàn bức xạ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay đơn vị này đã thông tin cho các cơ sở thu mua phế liệu, người dân khi phát hiện nguồn phóng xạ Co-60 bị thất lạc, phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Hiện công an đang khoanh vùng để tìm kiếm và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đang mang máy để dò phóng xạ.
Theo báo cáo của đơn vị quản nguồn phóng xạ, thời điểm cuối cùng xác định nguồn phóng xạ này còn tồn tại là vào cuối năm 2014, khi một dây chuyền sản xuất của nhà máy bị trục trặc, nguồn phóng xạ này đã được lấy ra khỏi dây chuyền nhưng không được làm thủ tục nhập kho. Như vậy từ tháng 1.2015, nguồn phóng xạ này đã không được quản lý. Đến thời điểm này, nguồn phóng xạ thất lạc này đã không được kiểm soát hơn 3 tháng.
Theo ông Khoa, nguồn phóng xạ Co-60 là nguồn phóng xạ kín, có thiết bị bảo vệ bên nguồn. Lõi nguồn là dạng rắn, cỡ hạt đậu xanh. Nhóm nguy cơ ở mức 4, tương đương với thiết bị X-quang, không có khả năng làm giàu để tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên khi thiết bị chứa nguồn bị vỡ, suất liều cách 10cm khoảng 2,5 mSv/h. Trong khi đó suất liều quy định trong 1 năm với công chúng là 1mSv. Vì vậy, có thể gây nguy hiểm cho con người và môi trường. Người dân phát hiện hình dạng thiết bị như trên báo thì thông báo ngay cho cơ quan chức năng để thu hồi.
Theo Lê Mai ([Tên nguồn])