Vụ mai phục 'đất tặc': Phóng viên Báo Tiền Phong bị đe dọa 'giết cả nhà'
Sau khi thực tế xác minh để viết bài về vấn nạn "đất tặc", nhà báo Tuấn Nguyễn (báo Tiền Phong) bị một số đối tượng gọi điện đe doạ giết cả nhà. Ban Biên tập báo Tiền Phong đã có công văn gửi tới Hội Nhà báo Việt Nam, Công an tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị liên quan đề nghị vào cuộc xác minh, xử lý các đối tượng, bảo vệ phóng viên tác nghiệp.
Các phương tiện thay nhau đào múc, chở đất đi đổ để thi công đường tránh Đông TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Ngày 26/5, Ban Biên tập báo Tiền Phong có công văn gửi tới Hội Nhà báo Việt Nam, Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này cùng một số đơn vị liên quan, đề nghị bảo vệ phóng viên, nhà báo tác nghiệp trên địa bàn.
Theo công văn của báo Tiền Phong, nhà báo Nguyễn Văn Tuấn (bút danh Tuấn Nguyễn), phụ trách Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên báo cáo, cuối tháng 4 đến giữa tháng 5/2023 có đi xác minh nguồn tin, nhập vai điều tra các đối tượng mua bán đất nông nghiệp trái phép để thi công một số tuyến đường giao thông ở Đắk Lắk.
Trong quá trình này, nhà báo có nhập vai người cần mua đất, vào gặp trực tiếp chủ đất tên Nguyễn Công Hương (thôn 8, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) để khai thác thông tin, xác minh viết bài. Đồng thời, anh Tuấn cũng gặp một người dân khác đang làm rẫy gần đó, có nhu cầu bán đất để hỏi thêm thông tin. Trong quá trình này, nhà báo có xin số điện thoại 2 người trên, cho họ số điện thoại hay dùng để nhập vai tác nghiệp.
Sau khi ghi nhận thực tế nhiều ngày đêm việc các đối tượng múc đất rẫy nhà ông Hương tại khu vực thôn 8, xã Ea Ktur, nhà báo Tuấn Nguyễn liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã này nhưng họ luôn né tránh, không cung cấp thông tin.
Ngày 18/5, nhà báo đến làm việc với ông Nguyễn Kim May - Chủ tịch UBND xã Ea Ktur, sau đó có xin số điện thoại của ông Định - trưởng thôn 8, nơi xảy ra việc múc đất để liên hệ xác minh. Tối cùng ngày, liên tiếp có 2 người đàn ông sử dụng cùng một số điện thoại 0915840755 thay nhau gọi đến số máy của anh Tuấn.
Báo cáo cho biết, tại các cuộc điện thoại gọi đến, người gọi đã có những hành vi đe doạ, uy hiếp tính mạng nhà báo.
Theo ghi âm cuộc gọi, nội dung đe doạ như sau: “Này, tao nói mày nhé! Mày nhà báo, mày muốn sống hay muốn chết? Thích thì choa (chúng tao-PV) giậm (giẫm đạp-PV) mày giờ nào cũng được, choa đến nhà mày giết mày tức khắc đấy. Báo mày là cái đ* gì, báo ngoài Trung ương tao còn diệt được huống hồ gì mày? Tao đến giết nhà mày, đốt nhà mày luôn đấy? Tao cho bút hết mực, giết mất nòi nhà mày. Mày bước chân xuống đất Hoà Thắng, Cư Kuin, choa giết mày mất nòi mất xác. Tau (tao-PV) chôn vùi cả dòng tộc nhà mày đấy”.
Đáng chú ý, sau cuộc gọi trên, cùng số máy này nhưng một người khác nói chuyện với anh Tuấn. Người này xưng: “Tôi là Bí thư đảng uỷ xã đây…Tôi sinh năm 1974, tên Trần Anh Tuấn, đang ở Cư Kuin”. Sau đó, người này còn doạ: “Ngày mai tao sẽ cho... Công an điều tra của huyện Cư Kuin, đó là cháu của tao cả. Tao sẽ cung cấp thông tin của mày cho mấy thằng cháu tao. Tao đã ghi âm rồi. Mày đi lừa đảo phải không?”.
Theo nhà báo Tuấn Nguyễn, hành vi đe doạ của các đối tượng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống của anh cũng như gia đình, tạo tâm lý bất an. Rất có thể các đối tượng sẽ tìm cách trả thù cá nhân anh và gia đình.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà báo theo quy định của pháp luật hiện hành, Ban Biên tập báo Tiền Phong đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này, Công an huyện Cư Kuin và các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đe doạ, bảo vệ nhà báo tác nghiệp và đảm bảo an ninh an toàn trên địa bàn.
Sau trận mưa trưa và chiều 16-5, nhiều người dân bức xúc, phản ánh đến phóng viên về tình trạng mặt đường rất xấu xung quanh khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP THCM).
Nguồn: [Link nguồn]