Vụ lương "khủng": Chủ tịch nước biểu dương TPHCM

Ngày 10/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi lấy ý kiến cử tri thành phố nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Ngoài tiếp xúc cử tri, đoàn còn làm việc với UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Biểu dương TP.HCM làm tốt vụ lương “khủng”

Trả lời băn khoăn của cử tri tại Q.4 về việc lấy phiếu tín nhiệm,  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết hầu hết cử tri cả nước đều muốn chỉ đưa ra 2 mức tín nhiệm thay vì 3 mức như vừa qua đã làm. “Đây là chủ trương rất mới. Tuy còn nhiều ý kiến chưa đồng tình về 3 mức bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng đối với bất cứ cá nhân nào, dù làm việc ở đâu, Quốc hội hay Chính phủ, UBND hay HĐND các cấp, mà có phiếu tín nhiệm thấp quá nhiều thì cũng cần phải suy nghĩ lại. Đó chính là sự nhắc nhở, cảnh tỉnh”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước cũng cho rằng nên dần dần “bình thường hóa” việc bỏ phiếu tín nhiệm, vì đó là đòi hỏi của dân chủ. Khi GDP càng tăng, thì đòi hỏi dân chủ cũng càng cao lên. Không còn có chuyện có thể đạt đến 80 - 90% phiếu tín nhiệm hay đồng thuận như trước đây nữa. Đó cũng chính là xu hướng tiến bộ, tốt cho đất nước.

Chủ tịch nước thừa nhận ý kiến người dân cho rằng “chống tham nhũng chưa thấy giảm, mà ngược lại càng tăng” là đúng. Và cảnh báo khi quy mô kinh tế càng to, sẽ phát sinh những vụ án tham nhũng càng lớn. Không thể hô khẩu hiệu, ra văn bản chống tham nhũng nữa. Phương sách quan trọng vào lúc này vẫn là tăng cường giám sát, phát hiện, đặc biệt là từ người dân.

Vụ lương "khủng": Chủ tịch nước biểu dương TPHCM - 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với UBND TP.HCM, cùng các sở ngành và quận huyện liên quan, sáng 10/10.

Chủ tịch nước đề nghị nên khen thưởng những cá nhân đã phát hiện và đưa ra ánh sáng vụ chi lương “khủng” tại 4 công ty công ích của TP.HCM. Ông cũng biểu dương thành phố đã có chủ trương công khai, minh bạch tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn. Từ vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã mở rộng triển khai chủ trương đó cho cả nước.

Chủ tịch nước bổ sung thêm một quan ngại nữa trước bức xúc của cử tri về vấn đề quá tải bệnh viện tại TP.HCM và Hà Nội, đó chính là mỗi năm, lại có đến vài tỷ USD chảy ra khỏi quốc gia cho việc khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Ông kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cho y tế, xây bệnh viện mới.

Tương tự, Chủ tịch nước cho biết sẽ phải thị trường hóa giá điện. Muốn có giá điện cạnh tranh, để người dân có nhiều lựa chọn hơn, phải có nhiều nhà cung cấp cùng đầu tư, khai thác lĩnh vực điện.

Mổ xẻ “điểm nóng” giải tỏa, đền bù

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu cũng đã có buổi giám sát công tác giải quyết 15 vụ khiếu nại, tố cáo “nổi cộm” liên quan đến đất đai, nhà ở của công dân với UBND TP.HCM, cùng các sở ngành và quận huyện liên quan.

Theo phản ánh của người dân, có nhập nhằng giữa vấn đề “xã hội” và “thương mại” trong dự án Chung cư Cô Giang (Q.1). Người dân cảm thấy nhà đầu tư được hưởng lợi quá nhiều. Khi chấp nhận đi tạm cư, người dân hoàn toàn mập mờ về việc bồi thường trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng, hiện thành phố có rất nhiều chung cư cũ, hư hỏng. Chủ trương cải thiện các chung cư này là của thành phố. Ông Tín khẳng định không có sự ưu đãi nào cho chủ đầu tư. “Nếu có gì chưa thỏa đáng, chủ đầu tư phải chỉnh sửa cho phù hợp. Đền bù cho dân theo giá thị trường hiện trạng chứ không đền bù theo tương lai. Tuyệt đối không biến nhà dân thành chung cư thương mại”, ông Tín nói.

Theo ông Tín, thành phố khuyến khích bà con đi tạm cư để nhận lại căn hộ khi xây xong, chứ không ép bà con  nhận tiền đền bù. Chủ đầu tư buộc phải bàn giao căn hộ đúng vị trí, diện tích, thậm chí đúng số nhà, số tầng trước đây, cho người dân. “Tôi còn yêu cầu tính bổ sung thêm lợi thế thương mại đối với những hộ trước đây ở tầng trệt để khuyến khích bà con quay lại tái định cư”, ông Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Vụ khu tứ giác Bến Thành, cũng thuộc Q.1, hiện đã có 6 hộ không đồng tình kiện ra tòa. Người dân cho rằng chính sách tái định cư cứ thay đổi. Năm 2008, cho tái định cư tại chỗ, đến năm 2011, lại nói “không”. Nhà nước khi đền bù để tiết kiệm cho nhà đầu tư thì lấy bớt của dân?

Các vụ khiếu nại, tố cáo còn lại đều liên quan đến vấn đề đền bù, giải tỏa, tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền hoặc giữa người dân với nhau. Trong đó, còn 1 vụ tại Q.1, Q.6, Q.Bình Tân, Q.Bình Thạnh, 2 vụ tại Q.3, Q.5, Q.Tân Bình và 3 vụ tại Gò Vấp.

Trước các vấn đề tồn đọng này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố, quận huyện phải tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc người dân hơn nữa để thu dần tiếng nói khác biệt giữa dân và chính quyền. Nên tổ chức công khai có báo chí tham dự. Đồng thời rà soát và giải quyết thống nhất với người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ.Anh ([Tên nguồn])
Lãnh đạo công ty lĩnh lương khủng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN