Vụ “luật ngầm” cửa khẩu: Bịt nhiều lỗ hổng ngăn mua bán lốt xe, “làm luật”

Sự kiện: Tin nóng

Ngoài tham mưu UBND tỉnh giải pháp, Công an Lạng Sơn luân chuyển một loạt cán bộ, lãnh đạo công an liên quan hoạt động quản lý xe tại cửa khẩu.

Đến nay, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản bịt nhiều lỗ hổng, bất cập tại cửa khẩu, ngăn ngừa tình trạng mua bán “lốt” xe, thu “tiền luật” cao ngất ngưởng chèn ép các chủ hàng, tài xế xe xuất, nhập khẩu nông sản.

Đại diện các chủ hàng thực hiện khai báo hải quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Đại diện các chủ hàng thực hiện khai báo hải quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Đại lý hải quan: Nhập nhèm danh xưng

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua điều tra vụ tài xế bị các “nhà luật” chèn ép, buộc đưa tiền, công an đã phát hiện nhiều lỗ hổng trong quản lý hoạt động tại cửa khẩu hiện nay.

Đơn cử, nhiều trường hợp mang danh nghĩa đại lý hải quan nhưng thực chất là lao động tự do, tự ý đến thỏa thuận với chủ hàng, lái xe về việc nhận tiền công khi hoàn thiện các thủ tục hành chính liên quan đến hải quan, xuất khẩu hàng hóa.

Chiều nay (25/1), Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (Ban Quản lý) chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa và công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19 tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Cuộc họp báo do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn chủ trì. Tham dự còn có lãnh đạo Sở Y tế, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Công thương, Công an tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình.

Thực tế tại cửa khẩu hiện nay có 2 loại đại lý hải quan, gồm một loại được Tổng cục hải quan cấp phép hoạt động; loại còn lại là thành lập doanh nghiệp, lấy danh nghĩa là đại diện cho chủ hàng, được giới thiệu là “người của doanh nghiệp”, được ủy quyền thay mặt chủ hàng đến thực hiện các thủ tục liên quan.

Tài xế và đơn vị vận tải quen gọi họ là “nhà luật” hay “cò mồi” nhưng thực chất là đại lý hải quan, chuyên đi làm các thủ tục, mở tờ khai hàng hóa cho chủ hàng dưới danh nghĩa là nhân viên của công ty, chủ hàng được người có hàng thuê đến thực hiện thủ tục.

“Hoạt động này là tự phát, cũng là một nghề khá thịnh hành tại cửa khẩu Lạng Sơn và được trả công. Tuy nhiên, hiện nay, việc làm rõ các chi phí phát sinh khi xe hàng sang Trung Quốc rất khó khăn vì tất cả đều được thỏa thuận miệng, không có hợp đồng, hóa đơn chứng từ gì”, lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn nói và cho biết, qua điều tra cho thấy đã có nhiều trường hợp người làm dịch vụ hải quan tự ý đưa ra mức thu tiền làm thủ tục ở mức quá cao, gây bức xúc. Các trường hợp này hiện đã bị cơ quan công an chấn chỉnh, không hiện tượng như vậy.

Qua nắm bắt, trong số những “nhà luật” tại cửa khẩu có cả những đối tượng hình sự, đã có tiền án, tiền sự, lý lịch không rõ ràng tham gia hoạt động. Công an tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo rà soát, đẩy đuổi, làm trong sạch đội ngũ này.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng sử dụng các đối tượng xã hội, “đại ca” vùng biên để chèn ép, đe dọa, ép tài xế, nhà xe đưa tiền tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, đến nay ngành hải quan vẫn chưa có quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn trong hoạt động đại lý hải quan. Ngành này cũng chưa kiểm tra, đánh giá, ngăn chặn, xử lý các đại lý hải quan có vi phạm.

Trước thực tế này, Công an tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cục Hải quan Lạng Sơn kiểm tra, rà soát, tham mưu cơ quan có thẩm quyền các giải pháp quản lý, chấn chỉnh; rà soát toàn bộ đội ngũ những người làm đại lý hải quan hiện nay để báo cáo UBND tỉnh phương án quản lý.

Công an tỉnh Lạng Sơn cũng đã luân chuyển một loạt cán bộ, lãnh đạo công an liên quan đến hoạt động quản lý xe tại cửa khẩu. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản chỉ đạo rà soát, yêu cầu hàng loạt xe không chở hàng (sau khi xuất khẩu hàng hóa) phải quay về địa phương, không được phép vào bãi đỗ, xếp “lốt” chờ thông quan hàng hóa.

Tỉnh chặn việc bán “lốt” xe qua cửa khẩu

Bãi trung chuyển hàng hóa, nơi các xe nông sản xếp “lốt” đến cửa khẩu

Bãi trung chuyển hàng hóa, nơi các xe nông sản xếp “lốt” đến cửa khẩu

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, những chỉ đạo, giải pháp trên đã được UBND tỉnh thực hiện từ trước khi có thông tin phản ánh về việc bán “lốt” xe, làm “luật”.

Đặc biệt, công tác rà soát, chấn chỉ hoạt động đại lý hải quan đã được UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Cục Hải quan thực hiện từ năm 2021, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành hải quan trong năm 2022.

Đến nay, không chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo, khuyến cáo, UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, tổ chức vi phạm, buông lỏng quản lý.

“Sau phản ánh của Báo Giao thông và văn bản chỉ đạo chấn chỉnh của UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Cao Lộc cũng đã kiểm tra, rà soát, đưa nhiều xe cố tình vào bãi trung chuyển hàng hóa để xếp “lốt”, chờ lên cửa khẩu, kịp thời ngăn chặn việc mua, bán “lốt” xe”, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Trong khi đó, theo Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện nay đơn vị đang quản lý 20 đại lý hải quan đã được Tổng cục Hải quan công nhận hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay đã có 13 đại lý hải quan tạm dừng và chấm dứt hoạt động với lý do không bảo đảm về nhân viên đại lý theo quy định.

Các đại lý hải quan tại Lạng Sơn hiện nay chủ yếu làm thủ tục đại lý với loại hình quá cảnh và xuất, nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hữu Nghị; một số ít làm dịch vụ đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan qua Cửa khẩu Cốc Nam và Chi Ma.

Tại Cửa khẩu Tân Thanh, hoạt động xuất, nhập khẩu hoa quả, nông sản chủ yếu thông qua các cá nhân có đăng ký kinh doanh, không thông qua đại lý hải quan. Số lượng tờ khai, trị giá, số thuế thu, nộp thông qua đại lý hải quan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn khiêm tốn.

Cục Hải quan Lạng Sơn cũng cho biết, hiện nay, phần lớn các đại lý hải quan trên địa bàn không ký kết hợp đồng đại lý với chủ hàng mà chỉ thực hiện các dịch vụ thông qua thỏa thuận miệng như: Nhập các chỉ tiêu, thông tin khai báo hàng hóa, làm thuê các thủ tục bến bãi, điều xe, bốc xếp hàng hóa...

Việc đứng tên trên tờ khai hải quan, thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vẫn do chủ hàng đứng ra thực hiện. Do vậy, nhiều đại lý chưa hoạt động đúng với vai trò, tư cách của đại lý hải quan.

Nguyên nhân là do chủ hàng còn ngại thực hiện thủ tục pháp lý liên quan, tránh các chi phí phát sinh liên quan như phí chuyển tiền, thuế VAT... nên chọn cách thuê, ủy quyền cho cá nhân thực hiện, làm sai lệch ý nghĩa của hoạt động đại lý hải quan.

Trước thực tế trên, Cục Hải quan Lạng Sơn đề ra các giải pháp như: Tăng cường kết nối, giới thiệu với chủ hàng các đại lý hải quan có năng lực, uy tín thực hiện các thủ tục hải quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu về những lợi ích, quyền ưu tiên khi thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý hải quan…

Khởi tố, bắt giam 6 đối tượng

Từ ngày 12/1 đến nay, Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra “Chi tiền “luật ngầm” mới được xuất hàng qua cửa khẩu”, phản ánh việc mỗi xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn ngoài việc tài xế phải chi hàng chục triệu đồng để “làm luật”, chủ hàng muốn được thông quan nhanh còn phải chi 200 - 300 triệu đồng để mua “lốt” xe.

Sau khi loạt bài được Báo Giao thông đăng tải, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn vào cuộc, chi phí này đã trở lại mức bình thường như trước đây.

Đến ngày 14/1, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt giam 2 cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc để điều tra về tội “Nhận hối lộ” là Lâm Văn Hưởng (SN 1983) và Nông Tuấn Anh (SN 1992); khởi tố, bắt giam Đình Văn Thìn (SN 1979, trú TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về tội “Đưa hối lộ”.

Thìn đã làm giá với các chủ hàng, thu mỗi xe từ 200 - 300 triệu đồng để cho vượt “lốt” lên thẳng cửa khẩu thông quan. Mỗi xe trót lọt như vậy, Thìn phải đưa cho các cán bộ trên 50 triệu đồng. Bước đầu Thìn khai đã đưa cho các cán bộ trên 800 triệu đồng.

Đến ngày 21/1, Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố thêm 2 đối tượng về tội “Đưa hối lộ” gồm: Lê Đức Quỳnh (SN 1978, trú TP Lạng Sơn); Ngô Xuân Trường (SN 1983, cán bộ Hải quan tỉnh Lạng Sơn) và Phạm Văn Hoàn (SN 1969, nguyên là cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn) về tội “Đưa hối lộ”.

Nguồn: [Link nguồn]

Chi tiền ”luật ngầm” ở cửa khẩu: “Nhà luật” móc túi cả “tài bo” và chủ hàng

Khoản tiền "tài bo" các "nhà luật" thu của các xe xuất khẩu nông sản lên tới vài chục triệu đồng, trong khi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Nguyên ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN