Vụ lao động Việt bị đánh ở Algeria: Nỗi ám ảnh nơi xứ người

“Chúng tôi thoát nạn về tới Việt Nam nhưng hơn 30 đồng nghiệp vẫn còn ở lại nơi đất khách quê người. Họ đang nhắn tin cầu cứu” – Anh Nguyễn Khánh Đức nói trong nước mắt khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài chiều 17.11.

Mỗi ngày làm 1 USD

Khoác trên mình mảnh áo lao động rách nát, lấm bùn đất, lao động Nguyễn Khánh Đức (Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) nở nụ cười thất thần. Nhưng khi được hỏi về những anh em chưa về được, Đức lại hoảng hốt như chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh “xứ người”.

Anh Khánh Đức cho biết, các đồng nghiệp đang nhắn tin rất thảm thiết rằng nếu công ty không gửi tiền sang “chuộc” thì có nguy cơ chủ sử dụng sẽ bỏ đói họ đến chết.

Vụ lao động Việt bị đánh ở Algeria: Nỗi ám ảnh nơi xứ người - 1

Lao động Nguyễn Khánh Đức nói: “Nếu công ty không gửi tiền sang thì các đồng nghiệp của chúng tôi sẽ không về được, thậm chí còn bị chủ sử dụng bỏ đói”.

Đức tâm sự, lúc còn bên đó (Algeria - PV), công việc vất vả, tất cả anh em đều phải ăn uống kham khổ làm việc nặng nhọc. Ngày làm 10 tiếng, có ngày còn làm hơn 10 tiếng, thế nhưng cuối tháng đều bị chủ sử dụng trừ tiền.

“Bực nhất là chủ sử dụng lao động cứ lập lờ giữa việc khoán và trả lương theo công nhật. Theo hợp đồng, chúng tôi đang trong thời gian 3 tháng thử việc vì vậy không thể nói là trả công nhật được. Thực tế tôi đã làm 24,5 công/1 tháng, nhưng chủ sử dụng sau khi trừ tất cả các khoản, khoản tiền thực nhận của tôi chỉ là 24USD (480.000 đồng)”.

Trong khi đó, anh Đức ký hợp đồng đi làm việc ở Algeria với mức lương là 450USD/tháng, thời gian làm là 8 tiếng/26ngày/tháng. Một số lao động ký mức lương 650USD thì thời gian làm cao hơn, thời gian làm là 10 tiếng/28 ngày/tháng.

“Tháng đầu tiên (tháng 7) làm việc, tôi làm được 32 công (cộng 1 ngày công từ tháng 6 do đến sớm), nhưng chủ sử dụng người Trung Quốc chỉ chấm 31,5 công. Cũng không biết tính hệ số kiểu gì mà tôi chỉ được hơn 700 USD. Ngay lúc đó, chúng tôi đã đề nghị anh đốc công fax giấy tờ về Việt Nam đòi quyền lợi. Vấn đề chưa được làm rõ thì anh em lao động bên này đã bị đánh đấm túi bụi. Những ngày sau đó, chúng tôi còn bị bỏ đói, ăn uống rất kham khổ” – anh Đức nhớ lại.

Kháng cự sẽ bị bỏ đói

Cùng chung hoàn cảnh, lao động Nguyễn Hữu Cẩn (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết anh cũng bị bóc lột, đe dọa lúc còn làm thợ mộc bên Algeria.

Vụ lao động Việt bị đánh ở Algeria: Nỗi ám ảnh nơi xứ người - 2

Lao động Nguyễn Hữu Cẩn (Thạch Thất, Hà Nội) cũng bị bóc lột, đe dọa lúc còn làm thợ mộc bên Algeria.

“Trong số tất cả lao động đi làm việc bên đó, tôi là người duy nhất được tuyển làm thợ mộc. Mức lương cao hơn lao động khác, nhưng mỗi ngày tôi phải làm việc 10 tiếng, thậm chí là hơn. Công việc thì cực kỳ vất vả vì thường xuyên phải đứng trên những sàn gỗ mỏng mà không có bất cứ thiết bị bảo hộ nào. Quần áo lao động bị rách nát nhưng không được trang bị thêm. Thậm chí, chủ sử dụng lao động người Trung Quốc còn đe dọa, nếu ai chống đối, bỏ làm sẽ bị cắt điện, bỏ đói, thậm chí không cho uống nước, để chết khát - ” – Anh Cẩn kể lại.

Vụ lao động Việt bị đánh ở Algeria: Nỗi ám ảnh nơi xứ người - 3

Lao động Việt Nam tại Algeria chịu cảnh ăn uống kham khổ.

Theo anh Cẩn, lúc đi làm anh phải phải vay mượn hơn 50 triệu đồng chi trả các khoản tiền môi giới, phí xuất cảnh. Thế nhưng, sau gần 6 tháng đi làm ở nước ngoài đến nay, anh cũng mới gửi về nhà được hơn 6 triệu đồng.

Anh Cẩn cho biết đây là lần thứ 3 anh đi xuất khẩu lao động. Hai lần trước anh đi làm việc tại Lybia và Dubai, nhưng cả hai lần trước công việc đều không thuận lợi. Ba lần đi, ba lần anh đều phải về nước trước hạn.

“Biết là đi lao động ở nước ngoài vất vả, lại đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng vẫn cố đi vì mưu sinh. Nhưng đến lần này thì tôi cạch rồi”, anh Cẩn nói.

Hành trình đòi lại công bằng từ Algeria trở về Việt Nam trải qua 2 ngày 3 đêm nhưng trong suốt hành trình ấy, 13 lao động luôn phải ăn đói, nằm khát. Khi về tới Thái Lan thì hoàn toàn không còn một xu dính túi. Họ phải xin nước uống, hút thuốc cầm hơi.

“Lúc ở sân bay chúng tôi nằm vạ vật, cho tới lúc lên máy bay mới có đồ ăn cầm hơi” – Anh Đức xót xa.

Vụ lao động Việt bị đánh ở Algeria: Nỗi ám ảnh nơi xứ người - 4

Chị Lưu Thị Hoa (Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) ra đón chồng là lao động Nguyễn Hữu Hạnh từ Algeria về nước.

Vụ lao động Việt bị đánh ở Algeria: Nỗi ám ảnh nơi xứ người - 5

Nhiều lao động Việt Nam tại Algeria bị chủ sử dụng Trung quốc đánh đập thâm tím người.

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) trước đó cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các đơn vị phái cử đưa lao động đi phải làm mọi cách, thậm chí là ứng trước tiền, đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân để đưa 55 lao động bị bạo lực tại Algeria về nước. Nếu lao động muốn về nước mà không đủ khả năng chi trả, công ty đưa đi phải tạm ứng tiền để lo liệu. Tuy nhiên đến giờ, vẫn còn 32 lao động Việt Nam tại Algeria chưa thể về nước và đang chờ phái công ty chuyển tiền cho chủ sử dụng Trung Quốc và mua vé máy bay về nước.

Thông tin từ phía Công ty SimCo Sông Đà cho biết, công ty này đã ứng tiền để đền bù cho phía chủ sử dụng Trung Quốc và mua vé máy bay cho lao động về nước. Chiều ngày 17.11, đại diện công ty cũng đã ra đón lao động tại sân bay Nội Bài. Công ty đã trích quỹ để ủng hộ mỗi lao động 1 triệu đồng, để lao động có tiền đi về quê.

Ông Tống Hải Nam – Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) nói: “Cục đã ghi nhận thông tin từ phía các lao động về việc họ bị chủ sử dụng người Trung Quốc bóc lột, hành hạ, đánh đập. Sau buổi làm việc với gia đình lao động tại Cục Quản lý Lao động, Cục đã có ý kiến chỉ đạo phía công ty điều tra, làm rõ vấn đề để báo cáo Cục, từ đó có phương án xử lý”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyệt ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN