Vu Lan là ngày báo hiếu cha mẹ: Hiểu nhầm?

“Nhiều người đang hiểu nhầm ý nghĩa ngày lễ Vu Lan trong tháng 7 âm lịch là ngày báo hiếu cha mẹ”.

Tháng dành cho tổ tiên

Theo TS Phạm Lan Oanh - Trưởng khoa Sau đại học - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), hiện nay, nhiều người đang hiểu lầm, hiểu sai về ý nghĩa thực sự của ngày lễ Vu Lan trong tháng 7 âm lịch là ngày để báo hiếu cha mẹ.

Ở góc độ nhà nghiên cứu, TS Phạm Lan Oanh cho rằng, tháng 7 là tháng dành cho tổ tiên. Tổ tiên ở đây không chỉ là cha mẹ mà bao gồm cả những người thân đã khuất trong dòng họ.

Đó là dịp để người sống dâng cúng đồ ăn, thức uống, áo quần, tiền bạc, các vật dụng khác… cho người cõi âm. Bởi người ta tin rằng, trong tháng 7, trời đất sẽ mở ra cho người âm lên trên trần gian nhận những lễ vật cúng tiến đó của con cháu họ. 

Theo bà Oanh, khái niệm Vu Lan xuất hiện ở miền Bắc là do ảnh hưởng ngôn từ của miền Nam chứ trước đây ở miền Bắc không có từ này. Người miền Bắc quen thuộc với cụm từ: Tháng 7 – Xá tội vong nhân và tháng 7 cũng gắn liền với vợ chồng Ngâu. Việc báo hiếu cha mẹ chỉ là lớp nghĩa sau, không phải là ý nghĩa ban đầu.

le vu lan khong phai ngay bao hieu  le vu lan 2014

Vu Lan là dịp để người sống dâng cúng đồ ăn, thức uống và các vật dụng khác cho người cõi âm.

TS Oanh lý giải nguyên nhân dẫn tới chuyện nhiều người hiểu sai về ý nghĩa của lễ Vu Lan,  do vài chục năm trở lại đây, xảy ra tình trạng đứt gãy về mặt văn hóa, đặc biệt văn hóa cổ truyền của dân tộc hay còn gọi là văn hóa dân gian.

Do không được thực hành văn hóa thường xuyên nên các lớp nghĩa căn cốt của các dịp lễ, tết... như Vu Lan đã bị quên lãng hoặc ý nghĩa của nó bị méo mó đi.

Khái niệm Vu Lan khá xa lạ với văn hóa của người Việt, đặc biệt là văn hóa gốc của dân tộc. Tên gọi đầy đủ là “Vu Lan bồn” và chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Người theo đạo Phật sẽ thực hành các nghi lễ trong dịp Vu Lan một cách nghiêm cẩn hơn và có lẽ họ hiểu ý nghĩa thực sự của ngày lễ này sâu sắc hơn.

TS Oanh cho biết thêm, người dân ở các nước phương Đông, những ngày lễ trong tháng 7 không gọi là Vu Lan mà họ có những tên gọi khác, nhưng ý nghĩa sâu xa cũng là để tưởng nhớ tổ tiên đã khuất. Họ không có ngày nào trong tháng 7 âm lịch để “báo hiếu” với cha mẹ còn sống như quan niệm của một số người ở Việt Nam.

Chữ hiếu “méo”

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Lan Oanh cho rằng, nếu không thực sự hiểu ý nghĩa sâu xa của lễ Vu Lan, người ta sẽ không thực sự chăm lo cho mộ phần của tổ tiên hay làm những điều âm đức. Cách hiểu sai lệch về ngày lễ Vu Lan là ngày báo hiếu cho cha mẹ còn sống bằng cách tặng quà... làm phát sinh ra những nghi lễ rất buồn cười. Tuy vậy, các nghi lễ báo hiếu như thế cũng có mặt tốt là giúp kéo con người trở về với cuộc sống trần thế, tức là người ta biết cám ơn cha mẹ ngay từ khi cha mẹ còn sống, chứ không phải đợi đến khi cha mẹ khuất núi mới đối xử tốt.

Nói thêm về xu hướng sắm quà tiền tỷ, đất nghĩa trang tiền triệu… tặng cha mẹ dịp lễ Vu Lan, bà Oanh cho rằng: "Nhiều người cứ nghĩ mua quà xa xỉ là đang báo hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Nhưng thực ra đó chỉ là sự khuếch trương và không phù hợp với truyền thống của dân tộc. Bản chất lễ Vu Lan rất sâu lắng và nó là sự tự nguyện của mỗi cá nhân, gia đình trong sự thành kính chứ không phải kiểu huyênh hoang, xa xỉ".

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Lan Oanh, không chỉ trong tháng 7, con cái luôn phải hiếu thảo với cha mẹ với các hành động cụ thể quanh năm. Nếu chỉ báo hiếu cha mẹ trong tháng 7, đó là chữ hiếu “méo”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Lễ Vu lan báo hiếu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN