Vụ làm giả bệnh án tâm thần cho trùm giang hồ: Lãnh đạo BV lên tiếng
Có một số người giả bệnh, tự bịa triệu chứng, phối hợp người thân để khai báo giả mạo, nhằm mục đích xấu.
Trùm giang hồ ở Hà Nội giả bệnh án tâm thần để trốn án. (Ảnh minh họa)
Vừa qua, “bệnh nhân” Lê Thanh Tùng (32 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) – một đối tượng cộm cán, cầm đầu nhóm đối tượng gây ra vụ án cố ý gây thương tích, có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau đã xuất trình bệnh án với kết luận “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng” giả mạo.
Qua điều tra ban đầu, với số tiền 85 triệu đồng, Tùng đã có được hồ sơ bệnh án nói trên.
Cơ quan CSĐT, Công an TP.Hà Nội đề nghị BV Tâm thần Trung ương 1 cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại BV.
Ngày 14/8, TS.BS Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc BV Tâm thần trung ương 1 cho biết, trong 94 hồ sơ bệnh án cơ quan công an yêu cầu rà soát, hiện BV đã rà soát được hơn 60 hồ sơ, trong đó nhiều trường hợp là bệnh nhân có quyết định điều trị bắt buộc, đã từng điều trị nhiều lần, là bệnh nhân cai nghiện, ngáo đá.
TS.BS Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc BV Tâm thần trung ương 1
"Việc hồ sơ có giả hay không cơ quan công an sẽ xác minh. Nhưng trong số 94 trường hợp này đều là bệnh nhân thật, có hồ sơ bệnh án rõ ràng với chẩn đoán, quy trình điều trị...", TS Chiến cho biết.
TS Chiến cho biết thêm, đến thời điểm này, chỉ 1 bệnh án cơ quan công an nêu là giả và liên quan đến bệnh án này đã bắt tạm giam hai cán bộ của bệnh viện là: BSCK 2 Thân Thái Phong, Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng.
Cũng theo ông Chiến, quy trình khám chữa bệnh ở bệnh viện rất chặt chẽ. Theo quy trình khám chữa bệnh rất khó có thể làm hồ sơ bệnh án giả. Bệnh nhân đến khám thường phải yêu cầu có giấy giới thiệu địa phương. Nếu phải vào điều trị nội trú, người bệnh sẽ cần làm cam kết không có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp người bệnh có vi phạm pháp luật sẽ lập tức cho ra viện.
Tuy nhiên, vẫn có thể có lỗ hổng, nhất là nếu có một vài cá nhân có ý đồ xấu, làm sai mục đích.
Ngoài ra, có một số người giả bệnh, tự bịa triệu chứng, phối hợp người thân để khai báo triệu chứng bệnh. Nếu trình độ bác sĩ non kém, chưa có kinh nghiệm có thể chẩn đoán sai. Vì thế bệnh viện hết sức thận trọng, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh viện sẽ hội chẩn kĩ. Nếu đối tượng phạm tội cố tình giả bệnh, có cơ quan viện giám định pháp y trung ương làm việc tiếp tục giám định xem họ bị bệnh thật hay giả bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.
Trước thực trạng có những đối tượng phạm tội dùng mọi thủ đoạn để mua, làm giấy xác nhận bị bệnh, giả bệnh tâm thần để đối phó cơ quan pháp luật, Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định; Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác.