Vụ khiếu nại ở Thủ Thiêm: Đẩy lên Thủ tướng
Chiều muộn 27/11, kết thúc buổi đối thoại với đại diện các hộ dân đang khiếu kiện tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và UBND TPHCM thống nhất tiếp tục báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau khi người dân chỉ ra nhiều bất cập trong báo cáo kết quả rà soát của Tổ kiểm tra liên ngành.
Bà Nguyễn Thị Giáp (80 tuổi) bên căn nhà bị đập loang lổ và lau sậy cao lút đầu người ở Thủ Thiêm
5 khu phố trong ranh quy hoạch?
Mở đầu buổi đối thoại, ông Đinh Đặng Lập, đại diện Thanh tra Chính phủ (TTCP) thay mặt Tổ kiểm tra liên ngành báo cáo kết quả rà soát về ranh quy hoạch của người dân 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh (quận 2). Theo đó, trong quá trình kiểm tra, TTCP được UBND TPHCM cung cấp một số bản đồ do cựu Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh còn lưu giữ về quy hoạch khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm mà theo ông Thanh là kèm theo các văn bản UBND TPHCM thời kỳ đó báo cáo trực tiếp cũng như trình duyệt để Thủ tướng ban hành quyết định 367/QĐ-TTg vào năm 1996.
Qua kiểm tra, đối chiếu các bản đồ do ông Thanh lưu giữ với các bản đồ UBND TPHCM cung cấp (trưng ra trong buổi đối thoại), TTCP thấy trùng khớp nhau về ranh quy hoạch. Từ đó, khẳng định việc xác định ranh quy hoạch Thủ Thiêm tại Thông báo 1483 ngày 4/9/2018 của TTCP, trong đó chỉ ra khoảng 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm là đúng quy định và thực tế.
Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, buổi đối thoại chủ yếu lắng nghe tất cả những ý kiến của người dân. Cả hệ thống chính trị sẽ cùng làm, cùng rà soát và giải quyết khiếu nại theo quy định nào có lợi nhất cho người dân. |
Theo báo cáo của Tổ kiểm tra, từ quyết định thành lập quận Thủ Đức, quận 2, quận 7, quận 9 và các phường của quận mới của Chính phủ vào năm 1997 và quyết định thành lập khu phố, tổ dân phố, ấp và tổ nhân dân của UBND quận 2 kèm bản đồ địa chính vào năm 1998 xác định số thửa, vị trí, ranh giới nhà đất của từng hộ dân thuộc 5 khu phố của 3 phường đều nằm trong ranh quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm.
Về cơ sở khiếu nại ranh quy hoạch, báo cáo viết rằng, văn bản người dân cung cấp không liên quan đến quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm là Quyết định số 255 ngày 15/1/1998 của UBND TPHCM về phê duyệt quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không có nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận 2 được ban hành sau Quyết định 367 của Thủ tướng. “Danh mục quy hoạch khu vực không có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước ở quận 2 ban hành kèm Quyết định 255 đã không cập nhật và vẫn bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trong phạm vi quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm”, ông Lập khẳng định và lưu ý đây là vi phạm của UBND TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan giải thích, bản đồ quy hoạch 1/5000 kèm tờ trình Thủ tướng ban hành Quyết định 367 tuy đã bị thất lạc nhưng rất may là được nhân chứng sống (ông Võ Viết Thanh) lưu giữ. Có 13 bản đồ chuyên ngành, liên quan hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp thoát nước...
Tranh cãi về pháp lý các bản đồ
Tuy nhiên, đại diện các hộ dân Thủ Thiêm không đồng tình với báo cáo của Tổ kiểm tra và giải thích của ông Hoan. Ông Nguyễn Hồng Quang (quận 2) thắc mắc, nếu quyết định của UBND TPHCM và Kiến trúc sư trưởng lúc đó không đúng, tại sao nhiều văn bản khác về quy hoạch đều căn cứ theo các quyết định này?
Một số hộ dân tiếp tục cung cấp các bản đồ quy hoạch được cho là đã trích lục trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia để khẳng định nhà đất ngoài ranh quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm. Theo ông Cao Thanh Ca (quận 2), không thể lấy các bản đồ được cho là ông Võ Viết Thanh lưu trữ và bản đồ UBND TPHCM cung cấp để xác định ranh vì tất cả bản đồ ông Thanh cung cấp không có chữ ký, không được đóng dấu, còn bản đồ UBND TPHCM cung cấp tuy có dấu của Sở Xây dựng nhưng không thể khẳng định là bản đồ gốc kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng vì bản đồ quy hoạch có thể điều chỉnh khi TPHCM trình duyệt quy hoạch lên cấp cao hơn.
Là một trong những cán bộ tiếp quản huyện Thủ Đức sau ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên Trưởng ban điều hành Khu phố 1 (phường Bình An, quận 2), cho rằng, nhiều văn bản chính quyền TPHCM và UBND quận 2 ban hành cũng chỉ ra 5 khu phố ngoài ranh quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm. “Các bản đồ quy hoạch có thể điều chỉnh được, còn nội dung các văn bản thì không”, ông Thạch giải thích.
Tại buổi đối thoại, đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận: “Hai bản đồ ở đây có giá trị pháp lý không? Đúng như người dân nói là không thể thay thế. Bản đồ gốc kèm Quyết định 367 không có và chúng tôi đã nhận trách nhiệm”. Ông nói thêm rằng, quy định từ tháng 8/2005 về trước không bắt buộc các bản vẽ kèm theo quyết định phê duyệt quy hoạch phải có chữ ký, đóng dấu. Vì vậy, các bản vẽ quy hoạch ông Thanh cung cấp không có dấu và chữ ký là phù hợp vì trình ký vào năm 1997.
Theo ông Hoan, mục tiêu buổi đối thoại là tìm sự thống nhất nhưng thống nhất về mặt pháp lý là rất khó khăn bởi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc mỗi người đều có điều kiện tiếp cận pháp lý khác nhau, nhận thức khác nhau.
“Thời gian tới, có lẽ cần một cơ quan có thẩm quyền rà soát cả cơ sở pháp lý phía cơ quan nhà nước đưa ra và cơ sở pháp lý phía người dân nêu ra. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền xem xét kết luận cơ sở pháp lý nào đúng nhất. Chỉ có như thế mới giải quyết được”, ông Hoan nói. Ông cho biết, TPHCM sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo. Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn kết luận: “Sự thật thì chỉ có một nhưng hôm nay có lẽ vẫn chưa thể giải quyết được khiếu nại của bà con. Chúng tôi sẽ ghi nhận đầy đủ ý kiến bà con để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đây là lần thứ 4, Thanh tra Chính phủ và UBND TP HCM đối thoại với người dân Thủ Thiêm tính từ năm 2016.
Nguồn: [Link nguồn]