Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P1)

Được sử dụng từ thời cổ xưa, vũ khí hóa học là thứ công cụ giết người vô cùng khủng khiếp của chiến tranh và bị cả nhân loại lên án mạnh mẽ.

Vị tướng Robert E. Lee nổi tiếng trong cuộc nội chiến Mỹ đã từng thốt lên: “Thật tốt khi chiến tranh là thứ khủng khiếp, nếu không chúng ta sẽ phải say mê nó.” Quả thật, chiến tranh vô cùng khủng khiếp, bởi đó là trò chơi chết chóc của bom, đạn và rất nhiều thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Một trong những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt kinh hoàng nhất được sử dụng từ thời xa xưa và gây ra cái chết đau đớn cho rất nhiều người chính là vũ khí hóa học.

Vũ khí hóa học là loại vũ khí sử dụng chất hóa học độc hại gây tổn thương, nguy hại trực tiếp cho người, động vật và cây cỏ. Là một trong những loại vũ khí hủy diệt gây chết người hàng loạt, vũ khí hóa học dựa trên đặc điểm độc tính cao và gây tác dụng nhanh của chất độc quân sự để gây tổn thất lớn cho đối phương.

Từ thời xa xưa, con người đã biết sử dụng vũ khí hóa học nguyên sơ trong các cuộc xung đột để làm tiêu hao sinh lực và gây ra cái chết đau đớn cho đối phương, điển hình là những mũi tên tẩm thuốc độc hoặc việc bỏ thuốc độc xuống các giếng nước hay dòng suối để hủy diệt hàng loạt sinh mạng trong thời gian ngắn.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P1) - 1

Từ xa xưa con người đã biết dùng tên tẩm độc để tiêu diệt đối phương (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử loài người diễn ra vào khoảng năm 256 trước Công nguyên. Bằng chứng khảo cổ về cuộc chiến tranh bằng vũ khí hóa học cổ xưa nhất cũng được tìm thấy ở Syria (do người La Mã kiểm soát vào thế kỷ thứ 3). Nhà khảo cổ Simon James thuộc Đại học Leicester cho biết họ đã phát hiện hỗn hợp nhựa đường và lưu huỳnh bị đốt cháy tạo ra khí độc sát hại khoảng 20 lính La Mã khi họ vẫn đang nắm chặt vũ khí trong một đường hầm dưới thành phố Dara-Europos.

Theo ông James, vào thời điểm năm 256 sau Công nguyên, quân đội của Đế quốc Ba Tư Sasanid đang tấn công thành phố Dara-Europos do quân La Mã kiểm soát và đào các đường hầm bên dưới thành phố này. Quân La Mã cũng đào hầm để chống lại những kẻ xâm lược, tuy nhiên quân Sasanid lại có trong tay vũ khí hóa học. Có thể quân Sasanid đã sử dụng hỏa lò và ống bễ để bơm khí độc vào đường hầm của quân La Mã, sát hại tất cả binh lính có mặt bên trong đường hầm.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P1) - 2

Hình vẽ mô phỏng cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đầu tiên trong lịch sử

Tuy có thể tiêu diệt được nhiều sinh lực địch trong thời gian ngắn nhưng do những hạn chế về công nghệ và các yếu tố lịch sử khác, vũ khí hóa học không được sử dụng phổ biến trong những cuộc chiến tranh sau đó. Vũ khí hóa học bắt đầu được sử dụng trên quy mô lớn và trở nên ngày càng phổ biến từ thế kỷ 20, đặc biệt là từ khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ.

Thế chiến 1 được gọi là “cuộc chiến của các nhà hóa học” vì những loại khí độc chết người được sản sinh trên chiến trường của cuộc chiến tranh này, đặc biệt là từ sau trận chiến Ypres lần thứ hai.

Trận chiến Ypres lần thứ hai diễn ra trên Mặt trận phía Tây từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1915 giữa quân đội Đế quốc Đức và liên quân Anh, Pháp và Canada. Trong trận chiến này, quân Đức đã gây thiệt hại nặng nề cho liên quân, và sự chênh lệch lực lượng này đạt được là do quân Đức lần đầu tiên sử dụng khí độc trên quy mô lớn.

Trước trận chiến này, quân Đức đã từng sử dụng hơi độc trong trận Bolimov (1915) trên Mặt trận phía Đông nhưng tại đây hơi độc đã bị đóng băng do thời tiết lạnh. Ngày 22/4/1915, sau một đợt pháo kích ngắn ngủi, quân Đức bắt đầu thả hàng ngàn ống khí clo màu vàng xanh trên khắp mặt trận hướng về phía quân Pháp tại Gravenstafel.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P1) - 3

Khí độc được thả trên chiến trường trong Thế Chiến 1

Hàng trăm lính Pháp đã hít phải thứ khí cực kỳ độc hại này và thiệt mạng trên chiến trường, số còn lại bỏ chạy tán loạn, khiến cho tuyến phòng thủ tưởng rất vững chắc của quân Pháp bị tan vỡ. Khí độc đã tạo nên một lỗ hổng rất lớn trên chiến tuyến của phe Hiệp ước ở hướng bắc Ypres, khiến cho quân Anh và quân Canada đứng trước nguy cơ bị quân Đức thọc sâu tấn công.

Tuy nhiên, chính quân Đức cũng quá bất ngờ và bàng hoàng trước sức hủy diệt kinh khủng của loại vũ khí mới này mà quên mất nhiệm vụ tấn công. Nhờ đó, quân Canada đã được kịp thời điều đến trám vào lỗ hổng. Quân Canada đã giữ được trận tuyến, mặc dù phải chịu tổn thất vô cùng lớn về lực lượng.

Sau trận chiến này, khối Hiệp ước vẫn lúng túng chưa tìm ra cách nào khả dĩ để chống lại khí độc của quân Đức. Mãi sau này họ mới phát hiện ra rằng khí clo tan trong nước, do đó họ đề ra biện pháp phòng chống hơi độc tạm thời là yêu cầu binh lính mặc quần áo ướt hoặc dùng khăn mặt thấm nước tiểu phủ lên mặt.

Nhờ biện pháp này mà quân Canada đánh lui được cuộc tấn công bằng hơi độc của quân Đức vào ngày 24/4/1915. Tuy nhiên, một loại khí độc khác là khí mù tạt (mustard gas) lại khó phòng tránh hơn và gây ra những vết rộp vô cùng đau đớn trên các vùng da hở của quân lính. Quá sợ hãi trước sức hủy diệt khủng khiếp của khí độc, quân Hiệp ước đã phải rút lui ra khỏi cao điểm Ypres.

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P1) - 4

Những người lính vô cùng đau đớn khi hít phải khí độc

Nhờ sử dụng vũ khí hóa học trên quy mô lớn khắp toàn mặt trận, quân Đức đã dành được những ưu thế nhất định trên chiến trường. Tuy nhiên cái giá mà người Đức phải trả cho chiến thắng trong trận Ypres này là thái độ khinh ghét của cộng đồng quốc tế đối với thứ vũ khí hóa học độc hại này của Đức.

Với khoảng 100.000 người thiệt mạng vì các cuộc tấn công bằng khí độc của cả hai phe trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) đã soạn thảo một tài liệu quy định nghiêm cấm sử dụng vũ khí hóa học và sinh học.

Nghị định thư Geneva tuyên bố “việc sử dụng các loại khí gây ngạt, khí độc và các loại khí khác cũng như các chất lỏng, vật liệu và thiết bị tương tự trong chiến tranh sẽ bị toàn thể thế giới văn minh lên án nghiêm khắc.” Hơn 30 quốc gia đã ký vào Nghị định thư Geneva năm 1925, và ngày nay đã có hơn 100 quốc gia tham gia vào Nghị định thư này.

Mặc dù đã có quy định quốc tế nghiêm cấm sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh, thế nhưng thứ “vũ khí của quỷ” này vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và những cuộc chiến sau này, và nguy hại hơn là trong những cuộc tấn công khủng bố chống lại dân thường. Vũ khí hóa học tiếp tục được sử dụng ra sao, mời các bạn đón đọc kỳ 2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN