Vụ huy động 400 người để thử tải công trình: Cầu gần 200 tỷ có nhiều sai phạm
Những ngày qua, dư luận xôn xao vụ huy động 400 người để thử tải công trình cầu Nguyễn Thái Học (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Sự việc này nằm trong kế hoạch giám định để phục vụ điều tra “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Công trình cầu Nguyễn Thái Học. Ảnh: Kim Hà
Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Thái Học được UBND tỉnh An Giang phê duyệt năm 2018 và được điều chỉnh vào năm 2020. Tổng mức đầu tư dự án là 172,2 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang (nay là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp tỉnh An Giang) làm chủ đầu tư; Liên danh Cty Cổ phần Cầu 12 và Cty Cổ phần Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 là nhà thầu. Liên danh Cty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long - Đồng Nai và Cty Cổ phần Thương mại tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng là nhà thầu phụ đặc biệt.
Cầu được khởi công theo hợp đồng ngày 7/5/2019, khánh thành vào ngày 29/4/2021, hoàn thành thực tế ngày 25/6/2021; nghiệm thu hoàn thành công trình ngày 9/7/2021.
Tuy nhiên, sau khi khánh thành, công trình này bị phát hiện một số dấu hiệu sai phạm liên quan đến cầu bộ hành.
Cụ thể, chủ đầu tư có dấu hiệu điều chỉnh thiết kế trái với quy định của Luật Xây dựng; thay đổi thiết kế được duyệt khi chưa được cơ quan chuyên môn có ý kiến thẩm định. Các nội dung chủ đầu tư tự ý điều chỉnh trên đã làm thay đổi kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực của công trình (dầm cọc được chế từ thép tấm bị cắt không liền khối, hàn nhiều đường trên thân dầm không đúng với thiết kế ban đầu,...); thay đổi chịu lực khung mặt cầu,...
Hậu quả của việc thay đổi trên đã làm xuất hiện các vết nứt; màng sơn dầm dọc, dầm ngang, khung thép mạ kẽm mái che bị gỉ sét.
Bên cạnh đó, ngành chức năng còn phát hiện công trình cầu Nguyễn Thái Học có dấu hiệu nghiệm thu không đúng quy định, dẫn đến chênh lệch về giá do cách thức thi công và vật liệu đã được thay đổi nhưng khi hoàn công thì lại theo thiết kế được duyệt.
Ngoài ra, theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang, qua làm việc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, giám sát đều thừa nhận đã nghiệm thu thanh toán khống khối lượng đinh tán là 9,5 tấn có giá trị theo hợp đồng là 101,6 triệu đồng nhưng thực tế thi công không có khối lượng này.
Không những thế, hồ sơ mà chủ đầu tư gửi cho Sở GTVT tỉnh An Giang đề nghị nghiệm thu bị phát hiện có dấu hiệu làm sai lệch; đơn vị này còn chấp thuận tư vấn giám sát trực tiếp không đủ năng lực theo quy định và theo hồ sơ mời thầu.
Trưng cầu giám định để xác định vi phạm
Trước những dấu hiệu vi phạm trên, ngày 29/10/2021, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh An Giang có công văn yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục việc thi công cầu Nguyễn Thái Học sai thiết kế. Đoàn kiểm tra đã thống nhất nhiều hạng mục thi công sai với thiết kế được duyệt nhưng lại được hoàn công.
Ngày 27/5/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định trưng cầu Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam thuộc Viện khoa học và Công nghệ giao thông vận tải giám định tư pháp về lĩnh vực xây dựng đối với cầu Nguyễn Thái Học.
Đến ngày 27/3/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang tiếp tục gửi giấy mời tới các cơ quan, đơn vị có liên quan về việc tham gia quá trình giám định cầu bộ hành thuộc Dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học từ ngày 31/3 đến 6/4/2023. Trong đó, Công an tỉnh An Giang đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên phối hợp, huy động 400 người tại các trường học, dân quân, dân phòng, đoàn thể... đóng trên địa bàn thành phố để phục vụ cho việc thử tải ngày 5/4.
Tuy nhiên, việc huy động 400 người thử tải cầu vấp phải dư luận trái chiều nên ngay trong chiều 4/4, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo dừng ngay kế hoạch này, thay vào đó là thử tải bằng nước theo chuyển động tĩnh.
Chiều 5/4, trả lời báo chí, ông Phạm Văn Hùng, Phó phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam (người trực tiếp chỉ huy thử tải) thông tin: “Chúng tôi đã chuyển sang phương án sát thực tế nhất, sát với mức tính toán thiết kế nhất bằng chất tải tĩnh truyền thống là nước. Chúng tôi cũng khống chế, để từng ô từng ô, tăng tải từng nấc từ nhỏ tới lớn và có thiết bị để đo ấn suất về biến dạng, dao động nhằm kiểm soát trong quá trình tăng tải, không để xảy ra bất kì một tình huống bất lợi nào cho cầu đang khai thác. Với phương pháp này, chúng tôi sẽ cố gắng đánh giá được khả năng chịu tải của cầu”.
Thay vào đó, Phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam sẽ sử dụng phương pháp khác thay thế con người nhằm bảo đảm an toàn
Nguồn: [Link nguồn]