Vụ HS ra "tuyên ngôn": Hiệu trưởng nói gì?

Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) sau khi tiếp nhận những ý kiến phản hồi vẫn bảo lưu quan điểm của mình.

Chẳng ai muốn đẩy học trò mình ra đường

Thầy Nguyễn Tấn Sĩ, hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, cho biết ông theo dõi rất sát thông tin và dư luận phản hồi trên mạng qua các báo. Ông cũng nghe rõ và theo dõi rất kỹ các ý kiến phản hồi từ bạn đọc. Tuy nhiên, đến lúc này ông vẫn bảo lưu quan điểm của hội đồng kỷ luật rằng hình thức kỷ luật như vậy là thích đáng. Nhiệm vụ của nhà trường luôn yêu thương và giáo dục học sinh, chẳng ai muốn “ác” với học trò mình, nhất là các em còn nhỏ.

Thầy Sĩ cho biết để đi đến quyết định kỷ luật như trên, nhà trường đã họp đến ba lần. Lấy ý kiến bằng phiếu kín của hội đồng, đã có 8/9 phiếu đồng thuận với hình thức kỷ luật đó. Cũng theo thầy Sĩ, trước tiên phải xét đến gốc của vấn đề. Em V. là học sinh vừa bị kỷ luật vì đánh nhau cách đó ba ngày, đang trong giai đoạn bị kỷ luật thì tiếp tục vi phạm nặng hơn.

Vụ HS ra "tuyên ngôn": Hiệu trưởng nói gì? - 1

Trước đó, nhà trường đã có một quá trình lâu dài theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở và răn đe em dưới nhiều hình thức mong em tiến bộ hơn, nhưng kết quả vẫn không thay đổi. “Ba lần làm việc trước đó, gia đình em V. đã cam kết cùng nhà trường giáo dục con tốt hơn. Nhưng mỗi lần như vậy em tái phạm nặng hơn. Và bây giờ buộc thôi học có thời hạn cũng là hình thức giáo dục chứ chẳng ai muốn đẩy học trò mình ra đường” - thầy Sĩ nói. Thầy Sĩ cho rằng đây là hình thức vi phạm mới của học sinh mà tất cả phụ huynh phải giật mình và cần xem lại con cái mình.

“Tôi cũng là người dùng Facebook, cả trường này có gần 400/1.200 học sinh cũng dùng Facebook. Nếu mình biết mà thờ ơ, vô lương tâm, không lên tiếng kỷ luật thì chức năng người thầy, chức năng quản lý ở đâu trong cuộc sống này? Thế giới đó sẽ bào mòn tư cách các em, tôi nghĩ mình làm điều đó vì học sinh của mình!” - thầy Sĩ trần tình. Về việc em V. cho rằng mình copy bản “Tuyên ngôn học sinh...” trên mạng và dán qua “tường” nhà mình chứ không phải do em tự sáng tác, hoặc có thể một người khác đứng tên, lấy password để sử dụng trang Facebook em V. lập để nói xấu thầy cô, thầy Sĩ giải thích: “Thật ra tôi đọc cái “tuyên ngôn” ấy rồi, rất dài và lan tràn nhiều trên mạng. Nhưng em V. đã tự tay chỉnh sửa, biên tập lại theo ý kiến của mình rồi đưa lên trang của mình rõ ràng là có chủ ý. Với hành vi trên cũng đã quá vi phạm quy chế rồi”.

Thanh tra sở vào cuộc

Ông Lê Văn Chính, phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho biết chỉ nắm bắt vụ việc qua báo chí và đang hối thúc thanh tra sở vào cuộc xung quanh việc này. Sở cũng đã chỉ đạo Phòng giáo dục TP Tam Kỳ báo cáo ngay vụ việc để lãnh đạo sở theo dõi.

"Ở đây các em còn rất nhỏ, ứng dụng công nghệ thông tin là tốt, nhưng phải quản lý, giáo dục các em để tránh những sự việc đáng tiếc sau này. Đây cũng là bài học mà ngành giáo dục cần lưu tâm hơn nữa"

Ông Lê Văn Chính
(phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam

Ông Chính không đưa ra nhận xét về mức độ nặng nhẹ trong hình thức kỷ luật trên của Trường THCS Lý Tự Trọng với em V.. Nhưng ông Chính nhận định: “Đây là hình thức vi phạm mới của học sinh, nhà trường cần theo dõi để giáo dục các em tốt hơn”. Cũng theo ông Chính, sự việc đánh động đến dư luận cả nước về vấn đề học sinh và thế giới mạng. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các trường THCS có cái nhìn và cách quản lý chặt chẽ hơn về mạng Internet. Tuy nhiên, việc xử lý học sinh phải căn cứ trên các thông tư, điều khoản của Bộ

GD-ĐT. Ông Chính cho rằng thế giới mạng đang đầy rẫy thông tin, tốt xấu có, nếu người không có bản lĩnh, không vững vàng có thể bị lung lay.

Đề nghị báo cáo vụ việc về bộ

Ông Dương Văn Bá, phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD-ĐT, cho biết: “Theo điều lệ trường trung học đã được Bộ GD-ĐT ban hành thì hiệu trưởng có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm của học sinh. Việc học sinh xúc phạm thầy cô giáo nằm trong quy định “những điều học sinh không được phép làm” của điều lệ trường trung học. Hình thức xử lý kỷ luật có nhiều mức, từ khiển trách đến mức nặng nhất là đuổi học.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ GD-ĐT chưa nắm được cụ thể lỗi của em học sinh ở Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ) tới đâu. Diễn biến sự việc, quá trình vi phạm của em học sinh này như thế nào mà mới chỉ tìm hiểu thông tin qua truyền thông nên chưa thể có nhận định về mức độ kỷ luật với em là nặng hay hợp lý. Chiều 7-1, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT Quảng Nam đề nghị có báo cáo bằng văn bản về sự việc này. Chúng tôi sẽ có trả lời cụ thể sau khi nắm tình hình rõ hơn”.

V.Hà

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Vũ (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN