Vụ hàng lậu lọt lưới hải quan: Bàn giao hồ sơ cho CQĐT

Chi cục QLTT TP HCM xác định tổng giá trị hàng hóa trong 10 container hàng lậu là trên 35 tỉ đồng, trong đó có nhiều hàng cấm, hàng nguy hiểm.

Liên quan đến vụ 10 container hàng lậu lọt lưới hải quan tại TP HCM, chiều 22/1, Chi cục QLTT TP HCM đã có báo cáo chính thức gửi Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân và bàn giao hồ sơ,  tang vật vụ việc cho cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Lượng hàng thực tế cao gấp 193 lần khai báo

Theo đánh giá của QLTT, “đây là vụ việc phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng. Doanh nghiệp đã sử dụng thủ đoạn gian lận trong khai báo để nhập lậu hàng hóa qua đường chính ngạch với quy mô, số lượng, trị giá hàng vi phạm rất lớn. Sau khi bị phát hiện, đối tượng vi phạm đã bỏ trốn gây khó khăn cho việc điều tra, làm rõ vi phạm để xử lý”.

Cụ thể, Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (quận 11) và Công ty TNHH TM XNK Nhất Minh (quận 6) chưa rõ mối quan hệ nhưng đứng tên trên các tờ khai nhập khẩu có chung cách khai báo hải quan.

Hàng nhập từ Trung Quốc, mỗi container khai từ 9-10 danh mục hàng hóa. Căn cứ trên các tờ khai hải quan, tổng giá trị lô hàng khoảng 930 triệu đồng; tổng số thuế phải nộp chỉ khoảng 200 triệu đồng, tương đương 20 triệu đồng/container.

Vụ hàng lậu lọt lưới hải quan: Bàn giao hồ sơ cho CQĐT - 1

Cơ quan chức năng phát hiện màn hình máy tính cũ thuộc danh mục cấm nhập khẩu trong lô hàng

Qua kiểm tra hàng hóa thực tế, chỉ có 8 mặt hàng được khai có thực nhưng số lượng khác xa khai báo. Chẳng hạn, mặt bóng đèn LED loại thường 10W, khai chỉ 5.000 cái nhưng thực tế có 967.200 cái (gấp 193 lần); hàng hình dán bằng giấy và nhựa các loại, khai số lượng 300 kg nhưng thực tế gần 5.800 kg (gấp 19 lần) hay ốc vít kim loại khai 400 kg nhưng hàng thực tế trên 3.000 kg (gấp 7,5 lần).

Có 7 mặt hàng theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu của cơ quan chuyên ngành như y tế, thú y, công thương... cũng được tuồn về từ Trung Quốc, gồm: thực phẩm, gân xương khô động vật, vải, hóa chất (gần 50 tấn); mỹ phẩm (34.209 hũ/tuýp); rượu ngoại loại trên 30 độ, dung tích 500 ml (110 chai); đồ chơi trẻ em như súng nước, máy chơi game… (9.809 cái).

Các loại hàng hóa khác cũng vô cùng phong phú với gần 20 danh mục và đều có số lượng cực lớn, cho thấy sự xem thường pháp luật của các đối tượng buôn lậu. Một số mặt hàng có số lượng lớn như: trên 1 triệu sản phẩm thiết bị điện gia dụng và phụ kiện (máy xay sinh tố, máy sấy tóc, lò nướng...); gần 2,4 triệu thiết bị chiếu sáng; gần 16 tấn phụ liệu ngành may; 122.000 sản phẩm quần áo, túi xách; trên 74.500 phụ tùng xe máy và ô tô...

Chủ lô hàng vẫn biệt tích

Theo cơ quan QLTT, số lượng hàng hóa nhập lậu rất lớn, đa dạng về sản phẩm với  tổng giá trị ước trên 35 tỉ đồng. Hiện cơ quan điều tra vẫn đang truy tìm chủ lô hàng. Riêng 10 xe đầu kéo và rờ-moóc của nhà xe Tuấn Hiệp được thuê vận chuyển hàng, dù chưa xác định có liên quan đến hành vi tiếp tay cho buôn lậu hay không song vẫn tiếp tục bị tạm giữ để làm rõ.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 31/12/2013, Đội 2A thuộc Chi cục QLTT TP HCM cùng Đội 2 Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP HCM đã phối hợp chặn 10 container hàng sau khi thông quan tại cảng Sài Gòn khu vực 3 để làm rõ. Đây được đánh giá là vụ buôn lậu lớn nhất từ trước đến nay qua đường chính ngạch. Đến ngày 14/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các lực lượng tham gia chặn bắt lô hàng này.

Hàng cấm cũng thông quan

Nghiêm trọng hơn là hàng chục mặt hàng ngoài danh mục khai báo, trong đó có cả hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện. Hàng cấm nhập khẩu được xác định gồm có 147 màn hình máy vi tính 17 inches hiệu Dell đã qua sử dụng và gần 1.400 dây pháo các loại có khả năng phát nổ khi sử dụng điện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN