Vụ đứt dây điện gây chết người ở Long An: Phải khởi tố vụ án

Để xác định trách nhiệm của ngành điện, các cá nhân tham gia vận hành khai thác theo từng khâu và phải xem xét từng khâu có đúng quy trình không; phải khởi tố vụ án để điều tra.

Sự cố dây điện trung thế bị đứt rơi xuống trước cổng Trường THCS An Lục Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) làm 2 học sinh tử vong, 4 học sinh bị thương khiến dư luận bất bình. Câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm tới đâu?

Ngành điện lực Long An chịu trách nhiệm

Theo luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An), cái chết của 2 học sinh là do đường dây điện trung thế bị đứt khi trời mưa nên nạn nhân bị điện giật. Thoạt nhìn thì sự cố này do thiên nhiên, không phải con người gây ra, nguyên nhân ngoài ý muốn. Tuy nhiên, điện là nguồn nguy hiểm cao độ đối với con người và tài sản nên pháp luật có những quy định chặt chẽ, khắt khe về an toàn vận hành mạng lưới cung cấp điện. Ngành điện tỉnh Long An là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc vận hành, cung cấp điện dân dụng cho khu vực.

"Với chức năng, nhiệm vụ, năng lực, trình độ kỹ thuật của các công nhân, kỹ thuật và kỹ sư của mình, ngành điện Long An hoàn toàn có khả năng bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của công dân ngay cả trong mùa mưa bão. Luật Điện lực cũng quy định hết sức rõ ràng vai trò, trách nhiệm của ngành điện trong hoạt động sản xuất - kinh doanh ngành đặc thù này. Pháp luật hình sự cũng quy định các hành vi vi phạm trong an toàn vận hành công trình điện lực có bao gồm hành vi lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn hoặc các hành vi khác gây mất an toàn vận hành công trình điện lực theo quy định của pháp luật thuộc trường hợp làm chết 2 người như trong trường hợp này sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (điều 314 khoản 2 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017). Đồng thời, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi" - ông Thư nói.

Cũng theo luật sư Huỳnh Công Thư, để xác định trách nhiệm của ngành điện, phải làm rõ trách nhiệm các cá nhân tham gia vận hành khai thác theo từng khâu và xem xét từng khâu đó có đúng với quy trình hay không; phải khởi tố để điều tra mới xác định được để có căn cứ áp dụng pháp luật chính xác.

Vụ đứt dây điện gây chết người ở Long An: Phải khởi tố vụ án - 1

Em Đinh Hoàng Vũ đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Ảnh: Minh Sơn

Điện trung thế rất nguy hiểm

PGS-TS Quyền Huy Ánh, Chủ nhiệm Cao học ngành điện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết đối với điện hạ thế, khi tiếp xúc trực tiếp dây điện (dây bị rò rỉ điện) mới dẫn đến điện giật. Tuy nhiên, điện trung thế thì rất nguy hiểm, không cần phải tiếp xúc trực tiếp cũng bị điện giật. Chẳng hạn, dây điện trung thế bị đứt rớt xuống đất, dù khu vực đó là đất khô, đất ẩm hay có vũng nước, chỉ cần bước vào khu vực có dây điện rơi xuống đất là sẽ bị điện giật ngay. Nếu đứng quá gần sẽ dẫn đến tử vong, còn xa hơn có thể bị thương. Đặc biệt, dù dây điện trung thế không bị đứt nhưng khi đạt đến một mức nào đó, nó cũng phóng điện từ dây điện qua không khí và truyền đến người gây giật điện.

Cũng theo ông Ánh, dây điện trung thế khó bị đứt do có thiết diện lớn, dù vậy sét đánh hoặc do mối nối không bảo đảm cũng dẫn đến đứt dây. Ngoài ra, việc duy tu, bảo trì, bảo dưỡng không tốt cũng dễ dẫn đến sự cố. Trường hợp đường dây điện có lắp đặt rờ-le, thiết bị tự động đóng lặp lại (tự động ngắt nguồn khi xảy ra sự cố) thì ít khi xảy ra trục trặc. Nhưng nếu lắp đặt không đúng quy trình, không đúng chủng loại, không được bảo trì, bảo dưỡng cũng làm cho thiết bị này hoạt động không hiệu quả. Ngành điện có đầy đủ các quy định về an toàn điện, nếu thực hiện nghiêm túc các quy định này thì sẽ bảo đảm an toàn điện cũng như tránh được các sự cố về điện. 

Sức khỏe 4 học sinh đã ổn

Ngày 15-10, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết sáng cùng ngày, Điện lực Châu Thành đã cử đoàn đến thăm hỏi và động viên gia đình cháu Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 2007), một trong 2 học sinh tử vong do sự cố đứt dây điện.

Trong khi đó, ông Đinh Hồng Thảo (cha của nạn nhân Đinh Tiên Bảo) cho biết phía điện lực có đến thăm hỏi gia đình, hiện gia đình đang bận tang sự nên vấn đề trách nhiệm cụ thể sẽ bàn sau.

Còn tại bệnh viện, 4 học sinh bị nạn đã qua cơn nguy kịch. Em Đinh Hoàng Vũ (một trong 4 học sinh bị điện giật) đang được điều trị tại Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Long An kể lại: "Tụi con đang dắt xe ra thì nghe tiếng nổ rất lớn, sau đó con té xuống rồi không nhớ gì nữa".

Bác sĩ Châu Nam Huân, trực lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Long An, thông tin em Vũ nhập viện trong tình trạng phỏng độ 2-3 ở bàn tay, bàn chân và đùi. Hiện cả 4 em đã qua giai đoạn nguy hiểm, tỉnh táo, ăn uống được.

Công an tỉnh Long An cũng cho biết qua điều tra ban đầu là do trời mưa, sét đánh làm đứt dây điện dẫn đến nổ bình, đây là sự cố thiên tai nên hướng tiếp theo sẽ do nội bộ ngành điện giải quyết.

M.Sơn

Vụ 6 học sinh thương vong: Cha “chết đứng” thấy con gái bất động dưới vũng nước

Thấy nhiều người đứng trước cổng trường nơi nhóm học sinh bị điện giật, người cha lách qua đám đông để tìm con...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng - Nguyễn Hải ([Tên nguồn])
Vụ rơi dây điện khiến 6 học sinh thương vong Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN