Vụ du khách xót xa trước cảnh voi bị hành hạ: Chủ voi lý giải nguyên nhân bất ngờ
Chủ voi cho rằng việc voi bị chảy máu là do cây rừng đâm vào đầu trong quá trình di chuyển từ rừng về trung tâm du lịch chứ không phải hành hạ với voi!.
Chiều 10-2, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa có báo cáo gửi Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan về hoạt động du lịch cưỡi voi trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Những vết thương chi chít trên đầu voi
Theo đó, trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hình thức du lịch cưỡi voi vẫn diễn ra tại các điểm du lịch. Ngày 8-2, trên các trang mạng, báo lan truyền một số hình ảnh cưỡi voi và bạo hành voi. Ngày 9-2, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk cùng với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và Công ty Du lịch Cầu treo huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đến gặp trực tiếp chủ voi và nài voi để xác minh vụ việc.
Theo bản tường trình của ông Y Gai Byă (chủ voi) ngày 3-2, ông vào rừng đưa voi về khu du lịch thì phát hiện voi bị cây đâm vào đầu, chảy máu. Khi ông Y Gai Byă đưa voi đi làm du lịch thì bị chụp hình đăng lên mạng xã hội nói là bạo hành voi. "Thiết nghĩ, voi nhà tôi được mua từ năm 1983 đến nay. Gia đình tôi xem voi như một thành viên trong gia đình nên việc bạo hành là không đúng" - ông Y Gai Byă viết trong bản tường trình.
Lý giải bất ngờ bởi theo ông Y Gai Byă, ngày 3-2 ông đã phát hiện voi bị chảy máu do bị cây đâm nhưng đến ngày 8-2 hình ảnh chụp cho thấy các vết thương trên đầu còn khá mới, máu đỏ chảy ra còn bám trên đầu voi!
Theo ông Trần Xuân Phước, trong dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm đã đến các đơn vị phục vụ du lịch cưỡi voi tuyên truyền, vận động chủ voi, nài voi thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của UBND tỉnh về việc quản lý, sử dụng đàn voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng khuyến cáo chủ voi, nài voi không thực hiện các hành vi đánh đập, bắt voi làm việc quá sức gây ảnh hưởng tới sức khỏe của voi. "Tổ chức Động vật châu Á và UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi. Đây là cơ sở bước đầu cho việc chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi" - ông Phước cho biết thêm.
Vết thương đang rỉ máu đỏ
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, những ngày qua, mạng xã hội đang lan truyền bài viết từ tài khoản Facebook Nguyễn Ngọc An về việc tác giả chứng kiến cảnh voi bị hành hạ, oằn mình cõng khách du lịch. Theo bài viết, ở huyện Lắk mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm 1 cây gậy với phía đầu là móc sắt nhọn dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng đi và "răn" chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới... Còn ở Bản Đôn, ngày Tết có tổng cộng 6 con voi, chúng làm việc từ 8 giờ đến 17 giờ và chỉ nghỉ 30 phút giữa trưa với tần suất khách tới thăm hàng ngày lên đến vài nghìn người, người đợi để được cưỡi voi thì xếp hàng dài.
Tác giả cũng cho rằng hiện nay, quần thể voi tại Đắk Lắk còn không quá 140 cá thể (khoảng 100 cá thể voi hoang dã và 37 cá thể voi nhà), giảm 90% số lượng so với năm 1980. Và rõ ràng UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác với Tổ chức Động vật châu Á để chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi đối với toàn bộ voi nhà trong tỉnh Đắk Lắk. Hy vọng chính quyền sẽ tiến hành sớm để các cá thể voi tham gia vào dự án du lịch thân thiện được tận hưởng dinh dưỡng trọn vẹn, được nghỉ ngơi và được chăm sóc chu đáo.
Bài viết kèm theo những hình ảnh chân thực về những vết thương trên đầu voi đang chảy máu đã được các trang mạng xã hội chia sẻ rầm rộ. Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc trước cảnh voi nhà bị đối xử thậm tệ, vắt kiệt sức cho du lịch và mong muốn cơ quan chức năng cần ban hành những chính sách sát thực để bảo tồn loài động vật quý hiếm trước khi quá muộn.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỗi nhân viên hướng dẫn đều cầm 1 cây gậy với phía đầu là móc sắt dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng...