Vụ đốt xe vì bị CSGT xử lý: Tài xế nghĩ không đốt thì cũng… mất xe

Sự kiện: Thời sự

Các luật sư đánh giá, với hành vi đốt xe sau khi bị CSGT tạm giữ, người điều khiển xe máy có thể bị phạt nặng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vụ đốt xe vì bị CSGT xử lý: Tài xế nghĩ không đốt thì cũng… mất xe - 1

Cảnh sát khống chế Quang sau khi đối tượng châm lửa đốt xe của mình vì bị xử lý vi phạm giao thông.

Châm lửa đốt vì nghĩ mất xe

Sáng 3.8, lãnh đạo Đội CSGT số 4 (Công an TP.Hà Nội) cho biết, đội đã bàn giao đối tượng Lê Văn Quang (SN 1987, trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội) cho Công an phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều tra xử lý hành vi châm lửa đốt xe máy khi bị CSGT tạm giữ phương tiện.

Trước đó, khoảng 17h ngày 2.8, tổ công tác của Đội CSGT số 4 (Công an TP.Hà Nội) làm nhiệm vụ tại chốt ngã tư Trường Chinh - Giải Phóng (phường Phương Liệt) thì phát hiện Quang điều khiển xe máy chở hàng cồng kềnh nên dừng xe kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên, quá trình làm việc với CSGT, Quang không xuất trình được giấy phép lái xe, đăng ký xe, chở hàng cồng kềnh và xe không lắp gương chiếu hậu bên phải.

Với những vi phạm trên, tổ công tác Đội CSGT số 4 đã phải lập biên bản và tạm giữ phương tiện theo quy định. Quang đã đồng ý ký vào biên bản vi phạm giao thông rồi bỏ đi nhưng sau đó bất ngờ quay lại châm lửa đốt xe của mình.

“Khi tổ công tác cho xe tải xuống để chở xe máy về kho thì đối tượng quay lại châm lửa đốt xe. May mắn, lúc này chiến sĩ CSGT đã kịp thời lấy bình cứu hỏa ở bãi trong giữ xe dưới gầm cầu vượt dập tắt ngọn lửa”, lãnh đạo Đội CSGT số 4 cho biết.

Trước hành động liều lĩnh của Quang, tổ công tác Đội CSGT số 4 đã khống chế đối tượng để bàn giao cho công an sở tại xử lý.

Sau khi vụ việc xảy ra, Quang cũng thừa nhận, hành vi vi phạm giao thông của bản thân, đồng thời công nhận lực lượng CSGT đã xử lý vụ việc đúng quy trình và quy định của pháp luật.

Lý giải về hành vi tự châm lửa đốt xe máy, Quang nói rằng vì chiếc xe này đã vi phạm giao thông nhiều lần và số tiền phải nộp phạt nhiều hơn giá trị hiện tại của chiếc xe.

Lãnh đạo Đội CSGT số 4 cho biết thêm, qua xác minh sơ bộ, biển số gắn trên chiếc xe bị Quang đốt không phải của chiếc xe này.

“Đối tượng (Quang – PV) nói lý do đốt xe là do bức xúc và nghĩ rằng bị tạm giữ xe (xe của Quang có dấu hiệu bất minh –PV) thì sẽ mất xe”, một cán bộ Đội CSGT số 4 cho biết thêm.

Đốt xe nơi công cộng có thể bị xử lý hình sự

Liên quan tới vụ việc Quang đốt xe khi bị CSGT tạm giữ xe, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) và Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty luật Minh Bạch) cho biết, theo quy định, cá nhân có toàn quyền đối với tài sản do mình sở hữu, tức là có quyền phá hủy nó như đập phá, đốt cháy. Tuy nhiên, việc làm này không được làm phương hại đến quyền cũng lợi ích của người khác.

“Chủ sở hữu chiếc xe máy có thể đốt xe máy của mình nhưng nếu việc đốt xe diễn ra ở nơi công cộng làm nhiều người hoảng sợ, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây mất an toàn cháy nổ thì có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự nơi công cộng.

Trong trường hợp chủ sở hữu đốt xe ở nhà mình nhưng gây ra hỏa hoạn cho nhà hàng xóm, khu dân cư gây thiệt hại nặng về người và tài sản thì có thể bị truy tố về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, luật sư Kiên nói.

Đối với hành vi đốt phá xe máy của Quang, luật sư Lê Văn Kiên cho rằng, hành vi của Quang có dấu hiệu phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

“Hành vi đốt xe của Quang diễn ra ở nơi công cộng, ngay cạnh bãi trông giữ xe có nhiều phương tiện, sẽ rất nguy hiểm nếu ngọn lửa cháy lan sang bãi xe.

Hơn nữa, thời điểm này có rất nhiều phương tiện đang lưu thông qua nút giao thông Trường Chinh – Giải Phóng. Nếu chiến sĩ CSGT không kịp thời dùng bình cứu hỏa dập lửa thì hậu quả sẽ rất khó lường. Đây là những dấu hiệu có thể cấu thành tội “Gây rối trật tự nơi công cộng””, luật sư Kiên nói.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty luật Minh Bạch) thì cho rằng, chủ phương tiện đã có ứng xử khá bản năng, không biết mình làm như vậy là đã vi phạm pháp luật.

“Trong mọi trường hợp, dù sai hay đúng, khi nhận được tín hiệu kiểm tra hành chính của lực lượng thực thi ‎công vụ thì mọi người phải chấp hành vì đó vừa là nghĩa vụ và cũng là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bản thân mình.

Mọi hành vi chống đối đều có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cưứ trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công.

Tôi cho rằng, hành vi đốt xe của Quang sau khi bị CSGT lập biên bản tạm giữ phương tiện để xử lý vi phạm hành chính có dấu hiệu của hành vi "cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ" theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức xử phạt hành chính là từ 2 đến 3 triệu đồng.

HN: Thanh niên đốt xe, nhảy múa trên cầu Chương Dương

Nam thanh niên nhảy múa trong tình trạng say khướt, miệng luôn lảm nhảm nói “đốt xe cho bõ tức”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN