Vụ đổi tên thị trấn Diên Khánh: Chủ tịch huyện khẳng định "chưa quyết"
Ông Nguyễn Văn Gẩm khẳng định chưa chọn tên gọi nào chính thức và sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để chọn phương án tối ưu nhất, phù hợp với tiến trình phát triển của huyện Diên Khánh.
Chiều 29-3, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Gẩm, Chủ tịch UBND huyện huyện Diên Khánh, đã có những chia sẻ xung quanh việc đổi tên thị trấn Diên Khánh.
Theo ông Gẩm, việc đổi tên thị trấn Diên Khánh được UBND huyện thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa và Nghị quyết đại hội của tỉnh đến 2025, Diên Khánh trở thành thị xã. “Muốn trở thành thị xã thì Diên Khánh phải có 10 phường, trong đó có thị xã và thị trấn”, ông Gẩm nói.
Chưa chọn tên gọi chính thức
Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, tên huyện Diên Khánh đã có lâu nay. “Riêng tên thị trấn Diên Khánh, UBND huyện đang đặt vấn đề để xem xét đổi tên.
“Muốn đổi tên thì phải làm đúng quy trình. Muốn có tên mới phải tham khảo ý kiến, UBND huyện đang trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét. Hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy chưa kết luận, chưa thống nhất tên đó, cũng chưa chọn tên nào để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi”- ông Gẩm giải thích.
Cũng theo ông Gẩm, gọi Phú Thành mới chỉ là ý kiến của UBND huyện, trình Ban Thường vụ Huyện ủy để thực hiện quy trình, chứ chưa lấy ý kiến người dân, nên chưa thể thông tin rộng rãi được.
Thị trấn Diên Khánh được thành lập năm 1981. Trong ảnh: Một góc thị trấn Diên Khánh hiện nay. Ảnh: XUÂN HOÁT
“Sau này toàn bộ ranh giới địa lý 343,8 km2 sẽ vẫn là Diên Khánh, chứ không chỉ riêng hơn 3 km2 của thị trấn Diên Khánh như hiện nay. Cho nên không nên lầm tưởng xóa tên Diên Khánh là xóa hẳn, mà chỉ xóa ở khu thị trấn Diên Khánh mà thôi”, ông Gẩm phân trần.
Tên Phú Thành xuất phát từ đâu, thưa ông?
Ông Gẩm cho biết phủ Diên Khánh có từ năm 1742, trước đó là Phủ Diên Ninh. Tên gọi phủ Diên Khánh kéo dài đến thời điểm cách mạng tháng 8 thành công.
“Riêng thị trấn Diên Khánh thì ngày 30-9-1981 mới thành lập. Lúc đó gốc của thị trấn Diên Khánh lấy từ hai làng Phú Lộc của xã Diên Thủy là Phú Lộc Đông và Phú Lộc Tây (trước giải phóng là xã Diên Thủy). Còn bên bờ nam có xã Diên An, Diên Toàn. Lúc này mới thành lập thị trấn Diên Khánh như hiện nay. Tên gọi thị trấn Diên Khánh lúc đó được các vị lãnh đạo chọn”.
“Bây giờ anh em ở đây đang xem xét, đề xuất, nghiên cứu có cơ hội để đổi tên. Muốn địa danh nó không mất đi thì phải ghép địa danh của làng Phú Lộc xưa. Trước giải phóng là xã Diên Thủy bao gồm hai làng Phú Lộc Đông và Phú Lộc Tây, bên này có làng Phú Mỹ của xã Diên Thạnh, một phần đất của xã Diên An Diên Toàn. Chữ “Phú” là lấy lại tên gọi của ba làng xưa kia.
Còn tên “Thành” căn cứ vào các địa danh bây giờ vẫn còn, như chợ Thành, ngã ba Thành, khu phố Thành… đủ để đại diện cho địa danh thành cổ bên này. Ghép hai chữ “Phú” với “Thành” ra tên Phú Thành”, ông Gẩm giải thích. Cũng theo ông Gẩm, cũng có nhiều lãnh đạo có ý kiến nên đề xuất tên Thành Phú. Tức chữ Thành trước vì Thành lớn hơn, lúc đó tên gọi tên gọi mới sẽ là Thành Phú.
“Nếu xét về yếu tố ranh giới địa lý thì từ Phú nó vẫn còn, từ Thành vẫn còn. Còn xét về nghĩa ngữ thì Phú là phú quý, cường thịnh, Thành là thành công. Nói như vậy để hiểu rằng tên đề xuất được nêu ra cũng có lý do, gốc gác xuất xứ chứ không hề tùy tiện, tự động bỏ mất từ Diên Khánh như mọi người nghĩ”- ông Gẩm giải thích thêm.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, nói về Diên Khánh là nói về toàn bộ diện tích của UBND huyện, chứ không phải chỉ gói gọn trong thị trấn Diên Khánh như hiện nay. “Ta về Diên Khánh để thăm thành Diên Khánh chứ không phải về Diên Khánh để thăm thị trấn Diên Khánh”.
Không loại phương án giữ tên cũ
Một số ý kiến cho rằng nếu đặt tên mới là phường Diên Khánh trong thị xã Diên Khánh. Phương án này UBND huyện có tính đến?
Ông Gẩm khẳng định đây cũng là một ý tưởng mà huyện đã tiếp thu và đang trình Ban thường vụ Huyện ủy. “Nếu tên Diên Khánh không có vấn đề gì và còn có ý nghĩa cho sự phát triển của huyện thì UBND huyện vẫn đề xuất lên Ban thường vụ Huyện ủy. Phường Diên Khánh thuộc thị xã Diên Khánh cũng là chuyện bình thường”, ông Gẩm chia sẻ.
Bia ghi di tích lịch sử thành cổ Diên Khánh và mốc lịch sử được ghi lại. Ảnh: XUÂN HOÁT
Một lần nữa nhắc lại việc đổi tên thị trấn Diên Khánh vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để đề xuất, trình lên Ban thường vụ Huyện ủy xem xét, ông Gẩm khẳng định: “Huyện sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp tục tiếp thu để có tên gọi mới có độ chính xác nhất, phù hợp nhất với điều kiện, định hướng phát triển của huyện sau này”.
Tên gọi xã Đồng Xuân vẫn đang lấy ý kiến
Dịp này, UBND huyện Diên Khánh cũng tiến hành sáp nhập hai xã Diên Đồng và Diên Xuân. Theo thông báo kết luận cuộc họp ngày 25-3 của UBND huyện Diên Khánh, tên gọi mới sau sáp nhập hai xã này là Đồng Xuân.
Về tên gọi này, ông Gẩm cho biết việc sáp nhập, đổi tên được thực hiện theo Nghị quyết 35, về sắp xếp đề án đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa, trong giai đoạn 2023-2025.
“Xét về yếu tố địa lý, diện tích, dân số và việc hai xã Diên Đồng, Diên Xuân cùng thành lập năm 1978 nên địa phương đã nghiên cứu để đặt tên mới. Xã Diên Đồng, Diên Xuân sau sáp nhập sẽ lấy tên Đồng Xuân hay Xuân Đồng thì hiện nay cũng đang trên cơ sở nghiên cứu.
Huyện căn cứ trên các tiêu chí, như: cự ly trung tâm huyện đến xã gần nhất, tiêu chí A rồi đến B, nghĩa là Đồng trước Xuân sau. Đó là ý kiến của một số cá nhân trong UBND huyện để trình Ban thường vụ Huyện ủy. Do vậy chỗ tên gọi hai xã này vẫn chưa có tên nào chính thức để đưa vào đề án trình UBND tỉnh”- ông Gẩm nói.
Ông Gẩm cũng đưa ra ví dụ về việc sáp nhập xã trước đây của xã Diên Bình và Diên Lộc.
“Khi lấy ý kiến, người dân Diên Lộc đề nghị thành xã Lộc Bình, còn dân xã Diên Bình thì đề nghị tên Bình Lộc. Cuối cùng Ban thường vụ Huyện ủy quyết định tên Bình Lộc, rồi đi lấy ý kiến cử tri thì được người dân ở đây thống nhất gần như tuyệt đối. Và thực tế đến nay tên gọi mới xã Bình Lộc vẫn ổn định”, ông Gẩm cho biết.
Trung tâm thị trấn Diên Khánh nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN HOÁT
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 25-3, UBND huyện Diên Khánh có thông báo kết luận cuộc họp về việc đổi tên thị trấn Diên Khánh sau khi trở thành phường.
Theo đó, sau khi lấy các ý kiến của những thành viên tham dự cuộc họp, gồm các phó chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, thành viên UBND huyện, chủ tịch UBND các xã Diên Đồng, Diên Xuân và thị trấn Diên Khánh, đã thống nhất hai xã Diên Đồng và Diên Xuân sau sáp nhập sẽ có tên mới là Đồng Xuân; còn tên gọi thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường sẽ thành phường Phú Thành.
Ngay sau đó thông tin này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần người dân đều tỏ ra bất ngờ với việc đổi tên trên, trong đó không ít ý kiến cho rằng tên gọi Phú Thành nghe rất lạ và không có ý nghĩa đối với mảnh đất Diên Khánh.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc UBND TP Đà Lạt không chấp thuận đổi tên nhà hàng Thủy Tạ thành HV theo phương án kinh doanh sơ bộ của ông Đoàn Hải Hà - người thắng đấu giá -...