Vụ đòi "hợp thức hóa" sai phạm tại rừng Phong Nha - Kẻ Bàng: Lãnh đạo huyện Bố Trạch nói gì?
Lãnh đạo huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khẳng định sẽ làm theo đúng quy định của pháp luật, tức buộc doanh nghiệp lấn chiếm rừng phòng hộ Phong Nha - Kẻ Bàng phải tháo dỡ các công trình vi phạm.
Ngày 17-11, UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết đã có văn bản phúc đáp gửi Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage (gọi tắt Phong Nha Heritage) sau khi doanh nghiệp này có đơn "kêu cứu" gửi UBND tỉnh và các ban ngành liên quan nhằm để được xem xét, tạo điều kiện "hợp thức hóa" vụ lấn chiếm hơn 3,6 ha rừng phòng hộ ở Phong Nha - Kẻ Bàng mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh.
Khu vực vào Khu du lịch sinh thái công viên Ozo - ảnh Hoàng Phúc
Công ty Phong Nha Heritage do bà Đoàn Thị Yên làm Giám đốc - là chủ sở hữu của Khu du lịch sinh thái Công viên Ozo (Ozo Park) ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.
Theo hồ sơ vi phạm, tháng 4-2021, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng qua điều tra, rà soát mốc giới thì phát hiện Ozo Park có hành vi lấn chiếm hơn 3,6ha rừng phòng hộ do Ban quản lý VQG (chủ rừng) quản lý, bảo vệ.
Tháng 7-2021, ông Vũ Trọng Hùng - người đại diện pháp luật của Công ty Phong Nha Heritage thời điểm ấy - đã ký vào biên bản vi phạm hành chính do Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng lập. Ông Hùng đã công nhận Ozo Park có hành vi lấn chiếm rừng phòng hộ và tổ chức kinh doanh trong rừng mà không được phép của chủ rừng.
Tiếp đó, Hạt Kiểm lâm VQG đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vi phạm hành chính đến UBND huyện Bố Trạch để xử phạt theo đúng thẩm quyền. Tháng 8-2022, huyện này ra quyết định buộc Công ty Phong Nha Heritage thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, tức tháo dỡ toàn bộ các hạng mục, công trình lấn chiếm trên đất rừng phòng hộ, khôi phục lại tình trạng ban đầu; với thời hạn 60 ngày nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế.
Ozo lắp ghép, xây dựng nhiều hạng mục công trình lấn chiếm đất rừng phòng hộ - ảnh Internet
Mới đây, bà Đoàn Thị Yên - Giám đốc Công ty Phong Nha Heritage - ra văn bản khiếu nại, "kêu cứu" gửi UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan tỉnh Quảng Bình sau khi UBND huyện Bố Trạch ra văn bản buộc doanh nghiệp này phải thực hiện khắc phục hậu quả về những vi phạm trên và mong được xem xét, tạo điều kiện để "hợp thức hóa" sai phạm…
Bà Yên cho rằng thời điểm cấp phép thi công, Ozo Park dưới sự giám sát của Hạt kiểm lâm, Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và khẳng định việc "dịch chuyển" các hạng mục công trình ra ngoài phạm vi, ranh giới đã được Ban Quản lý VQG chấp thuận. Nhưng cá nhân nào "cho phép" thì bà Yên lại không nói rõ?
Doanh nghiệp khẩn cầu UBND tỉnh Quảng Bình và các ban ngành liên quan xem xét lại quyết định để tạo điều kiện được "điều chỉnh tọa độ, vị trí, ranh giới đảm bảo các công trình mà Ozo Park đang khai thác hoạt động từ trước đến nay nằm trong tổng diện tích 4,65ha môi trường rừng đã được phê duyệt hoặc cho phép được mở rộng diện tích cho thuê để không phải tháo dỡ các công trình này…."
Nhà chòi, sàn đi bộ bằng gỗ bên trong Ozo Park - ảnh Hoàng Phúc
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch - cho biết doanh nghiệp đã tổ chức hoạt động, kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Tuy nhiên, việc lấn chiếm rừng mà không được phép của chủ rừng là trái quy định của pháp luật nên buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, tức phá dỡ toàn bộ công trình đã xây dựng, lắp đặt trái phép.
"Riêng đối với ý kiến, doanh nghiệp muốn được xem xét "điều chỉnh tọa độ" cho phù hợp hoặc mở rộng diện tích... thì UBND huyện Bố Trạch phúc đáp không có thẩm quyền theo đề nghị của công ty và buộc chấp hành nghiêm túc việc tháo dỡ, trả lại tình trạng ban đầu của đất" – ông Thủy nói.
Ông Lê Công Toán, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch - khẳng định huyện không "hợp thức hóa" cái sai của doanh nghiệp. Quan điểm, chủ trương của huyện là xử lý theo quy định, tức là sai phạm thì phải xử lý của pháp luật, sai đến đâu xử lý đến đó và phía UBND huyện đã thực hiện nghiêm theo quy định của quản lý nhà nước.
Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình - cũng khẳng định quan điểm của UBND tỉnh là xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Vấn đề sai phạm Khu du lịch OZo, tỉnh đang chỉ đạo huyện Bố Trạch và VQG Phong Nha- Kẻ Bàng phối hợp chặt chẽ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng.
Như Báo Người Lao Động liên tục phản ánh, tháng 12-2018, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái khu vực rừng Gáo - hang Ô Rô và hợp đồng thuê môi trường rừng được ký kết giữa Công ty Phong Nha Heritage và Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng với diện tích 4,65ha rừng ở khoảnh 1, tiểu khu 253 thuộc địa bàn xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.
Tháng 4-2019, Ozo Park chính thức đi vào hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch. Tháng 7-2021, Hạt Kiểm lâm VQG xác định Ozo Park đã lấn chiếm hơn 3,6 ha đất rừng phòng hộ để xây dựng 16 công trình bằng gỗ dưới tán rừng.
Các công trình này, gồm: khu nhà điều hành trò chơi, nhà check in, nhà bếp, 2 nhà vệ sinh, 11 chòi; xây dựng đường đi xe đạp địa hình được thi công bằng biện pháp rải đá, đổ bê tông dưới tán rừng; xây dựng sàn đi bộ bằng gỗ dưới tán rừng.
Bà Trương Thị Lệ Thâm (vợ ông Trần Quốc Biểu - Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh) đã tự ý lấn chiếm đất rừng phòng hộ và cho xây dựng công trình (nhà sàn)...
Nguồn: [Link nguồn]