Vụ đẻ con thứ 3 phải nộp 2 triệu: Bản chất là bắt buộc?
Theo luật sư Lê Văn Kiên, nếu tự nguyện mang tính chất có điều kiện là phải nộp đủ 2 triệu đồng hoặc 4 triệu nếu sinh con thứ 3 trở lên thì thuật ngữ “tự nguyện” chỉ là hình thức, bản chất thực sự là buộc phải nộp.
Nhiều người dân huyện Vĩnh Tường bức xúc vì phải nộp số tiền lớn sau khi sinh con thứ 3.
Tự nguyện phải là tùy tâm đóng góp
Như đã thông tin, vừa qua, người dân ở xã Bình Dương và xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh việc, họ phải nộp số tiền từ 2-4 triệu cho chính quyền địa phương vì sinh thứ 3 trở lên.
Sở dĩ có mức thu trên là vì UBND huyện Vĩnh Tường ban hành Quyết định “quy định một số cơ chế chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) trên địa bàn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) giai đoạn 2013 – 2020”.
Quyết định trên nêu rõ, những đối tượng sinh con thứ 3 trở lên sẽ bị phê bình… đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ cam kết tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí vào quỹ ban DS –KHHGĐ xã, thị trấn nơi cư trú với mức 2 triệu đồng cho 1 lần vi phạm sinh con thứ 3, và 4 triệu đồng cho 1 lần vi phạm sinh con thứ 4 trở lên.
Sau khi UBND huyện Vĩnh Tường, chính quyền xã, phường thị trấn sẽ vận động người trong độ tuổi sinh đẻ ký cam kết và nếu vi phạm sẽ có nghĩa vụ tự nguyện đóng tiền.
Quyết định của UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu người dân thực hiện nghĩa vụ cam kết tự nguyện đóng góp 2 triệu đồng cho 1 lần vi phạm sinh con thứ 3, và 4 triệu đồng cho 1 lần vi phạm sinh con thứ 4 trở lên.
Trao đổi với luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho rằng, việc chính quyền huyện Vĩnh Tường ban hành quyết định về chính sách dân số rồi vận động người dân ký cam kết sinh con thứ 3 phải nộp số tiền 2-4 triệu đồng là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.
“Quyết định của UBND huyện Vĩnh Tường nêu rõ, người dân thực hiện nghĩa vụ cam kết tự nguyện đóng một khoản tiền 2-4 triệu nếu sinh con thứ 3 trở lên. Tức là nếu người dân cam kết với chính quyền mà vi phạm thì phải nộp tiền.
Tôi cho rằng, tinh thần của quyết định là người dân tự nguyện đóng góp thì việc ấn định số tiền gọi là “tự nguyện” trong quyết định của huyện Vĩnh Tường chưa phù hợp.
Bởi nếu gọi là tự nguyện tức là người dân được tùy tâm đóng góp theo điều kiện kinh tế của mình. Còn sự tự nguyện mang tính chất có điều kiện là phải nộp đủ 2 triệu đồng hoặc 4 triệu thì thuật ngữ “tự nguyện” xét cho cùng chỉ là hình thức, bản chất thực sự là buộc phải nộp.
Điều này không phù hợp với quy định của pháp luật, không có văn bản pháp luật nào hiện nay quy định phạt tiền người sinh con thứ 3.
Thêm nữa, nhiều gia đình ở nông thôn còn rất nghèo, 2 triệu là số tiền lớn, tương đương với 4 tạ lúa của người nông dân phải dầm mưa dãi nắng mới làm ra”, luật sư Kiên nói.
Luật sư Kiên cho rằng, pháp luật không cấm và không xử phạt hành chính người vi phạm người dân sinh con thứ 3 vì vậy chính quyền không thể sử dụng biện pháp hành chính để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tăng dân số. Vẫn còn nhiều giải pháp khác như tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân.
“Với những gia đình có điều kiện, số tiền 2 triệu có thể không lớn, nhưng với những người nông dân nghèo thì đó là số tiền lớn, chưa kể gánh nặng từ việc đông con cái đang đè lên vai”, luật sư Kiên nêu ý kiến.
Ép dân đóng tiền mới cấp giấy khai sinh là sai
Về thông tin người dân phản ánh, họ bị cán bộ xã gây khó dễ trong việc làm giấy khai sinh vì không đóng tiền tự nguyện khi sinh con thứ 3 hoặc thứ 4, luật sư Kiên cho rằng, nếu câu chuyện trên có thật thì cán bộ địa phương đã vi phạm pháp luật.
“Pháp luật cũng quy định, trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch. Thậm chí trong vòng 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con trẻ, nếu quá hạn sẽ bị phạt hành chính.
Về thủ tục cấp giấy khai sinh, sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, trong vòng 1 ngày, Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh cho người đi khai sinh. Người đi khai sinh trong thời gian quy định không phải nộp lệ phí.
Theo luật sự Kiên, nếu cán bộ xã gây khó dễ hoặc ép người dân đóng một số tiền nào đó mới được làm giấy khai sinh là trái pháp luật. Hành vi này có thể bị xử lý theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Tuy mức độ vị phạm mà có thể bị cách chức, buộc thôi việc…