Vụ đánh nhà báo: Người trong cuộc lên tiếng
Ngày 9/5, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm - trưởng phòng phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế của Đài Tiếng nói Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với PV về việc bị công an đánh khi đang tác nghiệp tại Văn Giang (Hưng Yên).
Cũng hôm qua, ông Bùi Huy Thanh - chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên - xác nhận lãnh đạo tỉnh này đang yêu cầu làm rõ vụ việc.
“Tôi bị đánh và còng tay”
Khẳng định rằng mình đã tuân thủ đúng pháp luật về báo chí đồng thời làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho biết ông từng đến nhiều “điểm nóng” nhưng chưa bao giờ nghĩ đến tình huống mình bị công an đánh. Ông Năm nói tiếp:
- Trước ngày diễn ra việc cưỡng chế, tôi có dự buổi họp báo do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên chủ trì. Trong buổi họp báo đó, đại diện tỉnh Hưng Yên (chánh văn phòng) đã trả lời rằng các nhà báo không nên đến khu vực cưỡng chế. Lý do đưa ra là để đảm bảo an toàn cho các nhà báo. Tuy nhiên, không có bất cứ quyết định nào bằng văn bản về việc này. Là nhà báo, tôi cần phải đến tận hiện trường quan sát để có thông tin định hướng một cách đúng nhất theo cách tiếp cận mà luật pháp cho phép.
Ông Nguyễn Ngọc Năm: “Tôi nhiều lần kêu to: Tôi là nhà báo”
* Tình huống nào khiến ông bị đánh hội đồng và bị còng tay?
- Đang đứng quan sát thì tôi nhìn thấy anh Hán Phi Long (phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV) bị một người mặc sắc phục công an đến hỏi. Nội dung hỏi gì tôi không nghe rõ, nhưng ngay sau đó họ xốc nách Long đẩy vào sát tường bao của nghĩa trang liệt sĩ cạnh đó. Tôi thấy hàng chục người gồm cả công an đánh Long bằng dùi cui, vụt vào mặt và đầu. Thấy đồng nghiệp bị đánh hội đồng, ôm bụng gục xuống, tôi chạy sang và hét lên nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, chúng tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Sao các anh lại đánh nhà báo? Không được đánh, chúng tôi là nhà báo”. Họ buông Long và quay lại đánh tôi (như trong clip) và còng tay, mặc cho tôi ra sức thanh minh tôi là nhà báo. Nhưng cũng may, trong lúc họ tập trung đánh tôi, Long kịp chạy thoát và được người dân đưa ra trạm y tế cấp cứu. Tôi được dẫn giải lên xe thùng cùng với hai người dân, có cả phụ nữ, về Viện KSND Văn Giang để lấy lời khai.
Trên các mạng đang có một video clip được cho là quay cảnh 2 nhà báo VOV bị công an đánh (video clip trên đây trích xuất từ Youtube). Các cơ quan chức năng chưa xác định được tính trung thực của video clip. Tuy nhiên, trả lời PV, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm khẳng định ông và đồng nghiệp chính là 2 người bị đánh trong clip công an đánh người tại buổi cưỡng chế đất ở Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên. Ngày 9.5, mặc lại chiếc áo kẻ cũ, ông Năm khẳng định: “Đây chính là chiếc áo kẻ tôi đã mặc khi bị đánh”.
* Đến khi nào thì lực lượng cưỡng chế, bao gồm công an, biết anh là nhà báo?
- Ngay sau khi đưa vào viện kiểm sát, tôi yêu cầu cảnh sát lấy từ túi áo tôi để kiểm tra các loại giấy tờ, họ mở còng cho tôi để lấy lời khai. Họ lập biên bản tạm giữ của tôi thẻ nhà báo, thẻ Đảng, thẻ hội viên Hội Luật gia Việt Nam, chứng minh nhân dân và điện thoại.
Họ giữ tôi tại trụ sở viện kiểm sát và Công an huyện Văn Giang để lấy lời khai hai lần. Ngay trước khi hoàn thành các thủ tục, tôi đề nghị với một thiếu tá, người lấy lời khai của tôi (anh Tiến, đội trưởng đội trọng án), để viết một lá đơn gửi giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên với ba nội dung: lãnh đạo Công an tỉnh cần có buổi làm việc với lãnh đạo của chúng tôi (trước nghỉ lễ 30/4) để làm rõ đúng sai, ai có lỗi phải chân thành nhận lỗi; tìm ra những người ra lệnh và người đánh chúng tôi để kiểm điểm, xử lý, rút kinh nghiệm; bồi thường tổn thất về sức khỏe, danh dự, tinh thần cho chúng tôi, nhất là phóng viên Phi Long. Sau đó một tuần không nhận được hồi âm, tôi có gọi điện hỏi anh Ngạn, giám đốc Công an Hưng Yên, anh Ngạn nói chưa nhận được. Ngày 2/5, tôi tiếp tục làm đơn lần thứ hai với nội dung tương tự. Ngày 3/5, giám đốc Trung tâm tin (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) gửi công văn đến công an tỉnh.
* Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ bị đánh như việc đã xảy ra hôm 24/4?
- Gần 15 năm làm báo, tôi đã đến rất nhiều điểm nóng trong nước và cả nước ngoài, những nơi thiên tai, lũ lụt nguy hiểm. Tôi cũng đã nghĩ đến những chuyện rủi ro giống như những người làm báo khác nhưng đó là chuyện chẳng may “tên rơi đạn lạc”, chưa bao giờ tôi cho rằng mình bị đánh như ở xã Xuân Quan hôm 24/4.
* Anh nói thế nào khi sự việc xảy ra đã nửa tháng mà không hề nhận được phản hồi từ Công an tỉnh Hưng Yên?
- Điều này để dư luận đánh giá thì rõ hơn. Tôi cũng không nằm ngoài phạm vi đó.
Ông Bùi Huy Thanh: “Phải xem lúc bị đánh họ có xưng là nhà báo không?”
Ngày 16/5 sẽ nghe các bên giải trình
Chiều 9/5, ông Bùi Huy Thanh - chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên - đã có cuộc làm việc với phóng viên một số báo xung quanh việc hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam xác nhận bị lực lượng chức năng hành hung gần khu vực cưỡng chế thu hồi đất tại xã Xuân Quan hôm 24/4.
Ông Thanh cho biết: “Ngày 8/5, đang họp Hội nghị trung ương 5 nhưng cả Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thông đã gọi điện về yêu cầu giải quyết khẩn trương sự việc này. Sáng nay (9/5), Vụ Pháp chế Văn phòng Chủ tịch nước cũng về làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên về toàn bộ vụ việc liên quan đến thu hồi đất tại Văn Giang, trong đó có nội dung hai nhà báo bị đánh. Cùng ngày, tôi đã làm việc với giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên Trần Huy Ngạn để thông báo yêu cầu của chủ tịch UBND tỉnh. Sau đó yêu cầu tổ công tác số 1, chốt số 3 xã Xuân Quan tường trình cặn kẽ sự việc. Ngày 16/5, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ có cuộc họp để nghe các bên tường trình sự việc, trong đó có lãnh đạo công an tỉnh, hai phóng viên và cơ quan quản lý họ là Đài Tiếng nói Việt Nam”.
“Quan điểm chỉ đạo về vụ việc này là xử lý nghiêm khắc nếu đúng đó là sai phạm của lực lượng chức năng. Chúng tôi mong hai nhà báo cung cấp băng gốc cho cơ quan công an vì phải có đầy đủ vật chứng, nhân chứng mới sớm xử lý được. Hơn nữa, cũng phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng là nhà báo không, có thẻ hành nghề không hay là khi bị đưa về cơ quan công an mới xưng là nhà báo? Vấn đề này cần làm rõ mới xác định được tính chất vụ việc” - ông Thanh nói.
Khi phóng viên hỏi hai nhà báo đã xác nhận việc họ bị đánh, việc yêu cầu cung cấp băng gốc ghi lại chuyện bị đánh là rất khó vì hai nhà báo không phải người quay được cảnh chính mình bị đánh, ông Thanh cho rằng: “Phải có đầy đủ chứng cứ mới xử lý được vì hai nhà báo xác nhận mình bị đánh chỉ mới là một chiều, xem trên clip chỉ thấy người bị đánh đội mũ bảo hiểm, chưa rõ mặt là nhà báo thật hay không, giữa chuyện nhà báo đang tác nghiệp mà bị đánh và người chống đối bị đánh có tính chất rất khác nhau”. “Quan điểm là giải quyết thấu tình đạt lý, nhìn nhận ở mọi góc cạnh” - ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh tâm sự thêm: “Hôm đó tôi ngồi tại sở chỉ huy dã chiến, cầm bộ đàm chỉ đạo liên tục. Mình chỉ sợ trời nóng quá nên anh em cũng nóng lên, hung hăng làm chuyện gì đó không hay. Tôi luôn yêu cầu anh em phải hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn, thuyết phục nhân dân. Đến chiều 24-4, thấy anh em phản ảnh có một nhà báo bị bắt, tôi yêu cầu kiểm tra và phải thả ngay. Dù chưa có kết luận cuối cùng về tính thực hư của clip hai nhà báo bị hành hung nhưng dù đó là cảnh hành hung nhà báo hay dân cũng rất phản cảm”.
Hội Nhà báo Việt Nam đang tìm hiểu vụ việc |