Vụ đánh bạc: Chỉ ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá trực tiếp tham dự, cấp dưới không biết
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết Công ty CNC thực chất không phải là công ty bình phong của lực lượng công an, vụ án này chỉ liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trực tiếp tham dự. Còn cán bộ bên dưới gần như không biết.
Sáng nay 5-9, tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP), Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết vụ án đánh bạc trên mạng bị Công an Phú Thọ phát hiện, điều tra không thể nói đây là vụ án xảy ra ở Tổng cục Cảnh sát mà xảy ra ở Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (Công ty CNC).
“Gọi là công ty bình phong, nhưng thực chất cũng không phải là công ty bình phong của lực lượng công an. Vụ án này chỉ liên quan đến hai cá nhân là ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao – C50, Bộ Công an) trực tiếp tham dự. Còn cán bộ, chiến sĩ bên dưới gần như không biết"- Thượng tướng Lê Quý Vương giải thích.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Ảnh: Thế Dũng
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, các bị cáo trong vụ án hoạt động rất tinh vi.
Cụ thể Phan Sào Nam, Hoàng Văn Trung là hai người sáng tác kịch bản trò chơi, nhưng lại giao cho Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh và lấy cổng của một đơn vị khác để thanh toán, chia khúc. Việc thực hiện bằng công nghệ cao, đánh xong xóa luôn và thực hiện đổi thẻ cào. Theo đó, người chơi dùng thẻ cào điện thoại chơi một lúc hết luôn tiền.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay đây là vụ án do Bộ Công an chỉ đạo làm án. Trong tài liệu điều tra do Công an Phú Thọ thụ lý nhưng toàn bộ quá trình điều tra có sự chỉ đạo của bộ trưởng, thứ trưởng và ban chuyên án mới đạt hiệu quả như vậy. Đặc biệt là vai trò rất quan trọng của công ty an ninh mạng về toàn bộ kỹ thuật liên quan đến mạng.
“Đây là vụ án hết sức phức tạp, là vụ việc hết sức đau xót. Tuy nhiên, vụ án được phát hiện, điều tra và đưa ra xét xử là cố gắng của lực lượng công an, với tinh thần đấu tránh, dám giải quyết vấn đề như thế. Điều đáng buồn, ông Phan Văn Vĩnh, một trung tướng, thủ trưởng cơ quan điều tra, anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh 2/4, một con người chúng ta rất trân trọng. Hay anh Hóa, một thiếu tướng, sinh trưởng trong một gia đình rất cách mạng, ông nội là liệt sĩ, bà nội là bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố đẻ là liệt sĩ, mẹ đẻ là thương binh, bản thân được đào tạo … Nhưng rõ ràng không chịu khó tu dưỡng, rèn luyện và các vấn đề khác”- ông Vương chia sẻ.
Trước đó, ngày 31-8, VKSND tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 356, Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.
90 người còn lại trong vụ án bị truy tố về các tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó, hai chủ mưu gồm Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (cựu chủ tịch HĐQT VTC Online) bị truy tố về hai tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. Hai chủ mưu Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam bị truy tố về các tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. 88 bị can khác bị truy tố về các tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn và Rửa tiền.
Theo cáo trạng, ngày 30-9-2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty CNC.
Ngày 10-10-2011, Dương và ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh về việc CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 nhận 20%. Tuy nhiên, C50 không góp vốn cũng như không cử cán bộ tham gia vào công ty này mà để Dương tự quyết.
Ngày 20-5-2016, ông Hóa báo cáo Công ty CNC vận hành hai cổng game Rikvip và 23zdo hoạt động chui. Ông Vĩnh đã chỉ đạo xây dựng văn bản để gửi lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hợp thức hóa. Theo cáo buộc, chưa có ý kiến của bộ trưởng, nhưng cùng ngày ông Vĩnh đã ký công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp giấy phép cho CNC và Dương đã gửi công văn này đi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công an không đồng ý và cho ý kiến chỉ đạo: "Tổng cục Cảnh sát đề xuất công tác quản lý và đấu tranh với loại tội phạm này trên mạng"...
Theo cơ quan điều tra, Dương khai đã biếu ông Vĩnh đồng hồ Rolex, 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD. Dương còn nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, mang rượu ngoại có giá 100 triệu đồng/chai đến phục vụ, tặng quà mỗi lần đi nước ngoài về. Dương cũng khai biếu ông Hóa 22 tỉ đồng. Những hành vi này, cơ quan chức năng tách riêng để điều tra, sẽ xử lý khi có đủ căn cứ.
Mặc dù ông Phan Văn Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỉ đồng, song VKS cho rằng không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng/tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập, không chi tiêu gì.
Cơ quan công tố tỉnh Phú Thọ cho rằng hành vi của ông Phan Văn Vĩnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín ngành. Ông Nguyễn Thanh Hóa bị quy kết đã bao che, không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý CNC.
Cơ quan ANĐT đã thu giữ số tiền "khổng lồ" là 1.343 tỷ đồng của các đối tượng chưa kịp tẩu tán.