Vụ CSGT nổ súng: Xử nghiêm cán bộ vi phạm GT
Việc CSGT Thanh Hóa nổ súng làm bị thương người vi phạm giao thông sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, sự việc cũng cho thấy tình trạng xuống cấp về văn hóa giao thông, ngang nhiên coi thường pháp luật của nhiều người, trong đó có không ít cán bộ nhà nước, thậm chí là giảng viên. Đã tới lúc phải coi vi phạm giao thông như vi phạm đạo đức và chuẩn mực xã hội.
Nên buộc thôi việc cán bộ vi phạm giao thông
Theo tôi, công chức nhà nước phải là những người tiên phong, gương mẫu chấp hành pháp luật. Công chức đã vi phạm quy định của pháp luật lại còn có những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông thì không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng, những cán bộ công chức như vậy là những người có vấn đề.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, muốn nâng cao văn hóa khi tham gia giao thông cho người dân thì phải có những biện pháp giáo dục từ gốc. Việc cần thiết nhất lúc này là phải đưa văn hóa giao thông vào giảng dạy giống như môn đạo đức hay giáo dục công dân ở các cấp học. Trong nhiều năm qua chúng ta đã buông lỏng việc này. Đối với các nước như: Nhật, Pháp, Đức... thì việc giáo dục văn hóa giao thông cho người dân được thực hiện rất nghiêm ngặt. Ở từng cấp học, từng lứa tuổi đều có những biện pháp giáo dục về văn hóa giao thông rất khoa học cho người dân. Do đó, rất hiếm khi thấy hành vi phản cảm của người dân những nước này khi họ tham gia giao thông.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - chiến lược, Bộ Công an)
Đối với những cán bộ, công chức đã vi phạm Luật Giao thông lại còn có những hành vi vô văn hóa, chúng ta nên đưa ra những biện pháp xử lý mạnh hơn. Theo tôi, đối với các cơ quan hành chính nhà nước trước khi tiếp nhận hay tuyển dụng cán bộ thì phải có yêu cầu đối với người được tuyển dụng ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông, nếu vi phạm thì sẽ phải nhận những mức kỷ luật nghiêm khắc, có thể buộc thôi việc.
Giảng viên vi phạm như vậy thì nói ai nghe?
Khi tham gia giao thông, mọi người dân đều phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật ATGT. Điều này trước hết là để bảo vệ mình, đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho những người khác cùng tham gia giao thông. Bởi vậy, trường hợp vi phạm của một giáo viên mà người dân đã ghi lại được clip tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa vừa qua là một hành vi phản cảm và rất đáng lên án. Trường hợp này, người vi phạm lại là thầy giáo, mà quan niệm chung của xã hội, đã là nhà giáo thì phải gương mẫu, mô phạm không chỉ trong công tác giảng dạy mà cả trong những sinh hoạt đời thường, hành động đời thường. Đó là chưa kể, đây lại là thầy giáo của một trung tâm bồi dưỡng chính trị, nơi luôn tuyên truyền, giáo dục những cán bộ, công chức. Anh đã như vậy thì còn nói được ai, thuyết phục được ai? Ngay những việc đơn giản như chấp hành quy định khi tham gia giao thông còn như vậy thì làm thế nào nói được những điều to tát, cao siêu về chính trị, tư tưởng, đạo đức kia?
Thiếu tá Trịnh Văn Giang (Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hóa)
Pháp luật đã quy định, ai vi phạm thì đều bị xử lý như nhau. Đặc biệt, đã là cán bộ công chức thì mức độ thượng tôn pháp luật càng phải cao. Theo tôi, trường hợp này không chỉ phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, vừa còn phải xem xét các yếu tố liên đới khác. Anh là đảng viên vi phạm thì phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân; cơ quan, tổ chức cũng phải xem xét đến các hình thức kiểm điểm về mặt Đảng đối với cá nhân vi phạm. Thậm chí, cơ quan, đơn vị cũng phải liên đới chịu trách nhiệm khi có cá nhân vi phạm pháp luật. Điều này, trong chỉ đạo của các cấp và nhiều văn bản pháp luật cũng đã thể hiện rõ.
Theo tôi phải xử lý nghiêm, vừa để răn đe, vừa tạo sức lan tỏa trong xã hội để mọi người thấy rằng, càng những người có vị trí, chức danh trong xã hội thì càng phải gương mẫu và nếu vi phạm thì không có miễn trừ, phải xử lý nghiêm.
Cán bộ phải làm gương
Thực tế qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cho thấy, vẫn còn không ít người tham gia giao thông chấp hành luật còn chưa tốt. Tuy nhiên, không chỉ người dân bình thường vi phạm mà qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông cũng cho thấy, không ít các trường hợp người điều khiển phương tiện của các cơ quan công quyền (xe biển xanh) vi phạm. Mới đây, Phòng CSGT Công an TP đã triển khai Kế hoạch 69, tập trung kiểm tra, xử lý theo chuyên đề những phương tiện mang biển xanh, nhằm từng bước nâng cao ý thức cho người điều khiển phương tiện xe công vụ khi tham gia giao thông. Những trường hợp vi phạm, khi CSGT dừng xe kiểm tra xử lý nếu có thái độ biểu hiện không hợp tác, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, Phòng CSGT còn gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị để kiểm điểm giáo dục theo quy chế của cơ quan, đơn vị.
Trung tá Phạm Văn Hậu (Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội)
Tôi cho rằng, mỗi cán bộ, công chức nên gương mẫu chấp hành luật Giao thông, bởi người dân bình thường vi phạm đáng trách một, thì cán bộ công chức vi phạm đáng trách mười.
Có kết luận sẽ xử lý nghiêm Chiều 21/7, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Hiên, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết, hiện Lê Anh Ngọc (một trong hai người bị CSGT bắn đạn cao su vào vai, là giảng viên của Trung tâm) đang đi học tại Hà Nội. “Tôi cũng đã xem đoạn clip ghi lại sự việc, tuy nhiên, vẫn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nếu quá trình điều tra xác định anh Ngọc vi phạm pháp luật, Trung tâm sẽ có hình thức xử lý nghiêm, thậm chí phải xem xét cả vấn đề tư cách đảng viên và những quy định của pháp luật về cán bộ công chức”, Ông Hiên nói. Trong khi đó, tiếp xúc với phóng viên, Đại úy CSGT Trần Ngọc Hoàng, người đã trực tiếp truy đuổi và dùng súng bắn đạn cao su làm bị thương Lê Anh Ngọc (SN 1977), Tô Thế Kỷ (SN 1970), đều ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, cho biết: “Quá trình truy đuổi, tôi đã nhiều lần sờ tay vào bao súng để dọa các đối tượng, tuy nhiên họ vẫn ngoan cố không chấp hành hiệu lệnh, thậm chí còn vượt lên ép xe của tôi, chửi bới, thách thức. Người ngồi sau còn dùng mũ bảo hiểm đánh tôi nhưng không trúng”. |