Vụ CSGT 'làm luật': Người đứng đầu sẽ bị xử lý ra sao?
Trước thông tin, hình ảnh về một số Đội CSGT Hà Nội nhận tiền người vi phạm, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội Đào Vịnh Thắng tuyên bố: Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu, điều chuyển công tác.
Không riêng dấu hiệu chung chi tiền, ngay cả việc thực hiện điều lệnh của CSGT Thủ đô cũng có vấn đề
CSGT xin tư liệu xử lý
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC67) Công an Hà Nội cho hay, lãnh đạo phòng đã họp bàn và lập tổ công tác xác minh sự việc.
Đại tá Thắng cho biết, đã tạm đình chỉ công tác đối với số cán bộ chiến sỹ CSGT có mặt trong đoạn clip ghi hình và yêu cầu Ban chỉ huy Đội CSGT số 3, 5, 6 cùng các cán bộ, chiến sỹ có liên quan viết báo cáo, làm rõ sự việc; họp chấn chỉnh chung toàn lực lượng CSGT, không để xảy ra sự việc tương tự. “Trường hợp nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu, điều chuyển công tác”, ông Thắng khẳng định.
Chiều ngày 13/3, lãnh đạo PC67 Hà Nội đã đến làm việc, đề nghị báo Tiền Phong cung cấp tư liệu liên quan đến vụ việc để có căn cứ kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của ngành.
“Không riêng gì lực lượng CSGT mà cả ngành công an, đều phải có hội đồng đánh giá mức độ vi phạm để có căn cứ xử lý thích đáng. Những sai phạm của cán bộ, chiến sĩ sẽ được chấn chỉnh nhằm xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông đẹp hơn trong mắt người dân. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh tác phong, lề lối cho cán bộ, chiến sĩ”, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng PC67 Hà Nội khẳng định.
Kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực
Trong khi đó, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia, sau khi xác minh đúng có hành vi nhận tiền của người vi phạm mà không xử phạt theo quy định của pháp luật, có thể khẳng định đấy là hành vi tiêu cực; nói rõ hơn là lợi dụng chức vụ để kiếm tiền bất chính.
Theo ông Hùng, nếu đúng việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng, ngành công an nói chung. Sự việc trên ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với lực lượng thực thi pháp luật, khiến họ có xu hướng khinh nhờn pháp luật, dẫn đến tai nạn giao thông gia tăng.
Hơn nữa, khi người dân mất niềm tin vào lực lượng chức năng, họ sẽ không tuân thủ pháp luật. Bởi vì, họ sẽ thấy dù có tuân thủ, nhỡ vi phạm có thể vẫn phải đưa tiền cho CSGT để được bỏ qua. Nếu làm rõ hành vi CSGT nhận tiền để bỏ qua lỗi của người vi phạm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân vào công tác thi hành pháp luật nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng.
Ông Hùng đánh giá cao phản ứng kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, đặc biệt là chỉ đạo của Chủ tịch UBND- kiêm trưởng ban ATGT thành phố Nguyễn Đức Chung. Điều này khẳng định quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội không có chỗ cho hành vi tiêu cực của lực lượng chức năng.
“Mỗi khi có thông tin phản ánh về các tiêu cực, sai phạm của CSGT, Ủy ban ATGTQG đều có văn bản gửi tới các đơn vị. Sau đó, cơ quan chức năng, các đơn vị, địa phương cũng như người bị phản ánh đều tiếp nhận, xử lý nghiêm”, ông Hùng cho biết thêm.
Luân chuyển cán bộ
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Qũy (người từng đi hướng dẫn tác phong điều lệnh cho nhiều đội CSGT), nguyên cán bộ CSGT thuộc Phòng CSGT Hà Nội, thực tiễn vẫn có những cán bộ, chiến sĩ không thường xuyên được rèn luyện, tu dưỡng, cố tình làm sai quy định của ngành để lập chốt hoặc dung dọa người vi phạm, thậm chí bắn tốc độ bằng…mồm, đôi co mặc cả với người vi phạm…
Bàn về việc lập chốt xử phạt người vi phạm, ông Qũy cho hay, căn cứ kế hoạch tuần tra, kiểm soát, bố trí lực lượng trong sổ công tác của lãnh đạo đội, cán bộ, chiến sĩ CSGT có quyền dừng phương tiện, xử phạt trên tuyến đường làm nhiệm vụ. Những điểm nào có bốt làm việc, cán bộ dừng xe sẽ chuyển giấy tờ của người vi phạm cho cán bộ ở trong bốt để xử phạt.
Theo ông Qũy, CSGT cần tránh việc lập chốt xử lý ở những “góc chết”, địa điểm nhạy cảm, xử phạt dấm dúi phía sau cabin ô tô, cánh cửa ô tô… Mọi việc đều phải công khai, minh bạch để dư luận giám sát, tránh gây hiểu lầm đáng tiếc, hạn chế được vi phạm, ùn tắc, tai nạn giao thông. Ngay trong quy định của ngành giao thông cũng cấm hành vi xử lý vi phạm giao thông bên trong cabin ô tô.
"Không cán bộ chiến sĩ nào muốn đứng ở các điểm luôn xảy ra ùn tắc giao thông, cường độ làm việc cao, nhiều áp lực. Họ chỉ muốn ra ngoại ô hoặc những nơi thông thoáng, dễ xử phạt hơn", ông Quỹ nói.
Trước tình trạng, một số chốt giao thông hiện nay xuất hiện các đối tượng lạ mặt nghi là “cò” của CSGT?, Phòng CSGT Hà Nội cần công khai đường dây nóng ở các chốt giao thông, trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân kịp thời thông tin, phản ánh. Nếu có các dấu hiệu bất minh trong quá trình thực thi công vụ, lãnh đạo Phòng CSGT cần kiểm tra, làm rõ, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc.
Cuối ngày 13/3, PV Tiền Phong liên tục liên hệ với Cục CSGT để chất vấn sự việc liên quan. Tuy nhiên, nhiều số máy lãnh đạo đều không thể liên lạc. Thậm chí, một Cục phó CSGT phụ trách CSGT đường bộ vừa nghe danh xưng PV báo Tiền Phong liền nói: "Tôi bận đi đám hiếu" và cúp máy. |
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội đã đình chỉ công tác và lập tổ công tác tiến hành xác minh thông tin của...