Vụ chuyến bay giải cứu: Chị gái một bị cáo bị đề nghị điều tra sau khi nộp bằng chứng cho tòa
Sau khi giao nộp cho HĐXX một tập chứng cứ là tài liệu tin nhắn, bà Ngô Thị Lan Phương (chị gái của bị cáo Ngô Quang Tuấn) đã bị Viện kiểm sát đã kiến nghị điều tra dấu hiệu của tội “che giấu tội phạm”.
Có dấu hiệu rửa tiền
Sáng nay (18/7), phiên xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu’ tiếp tục với phần bào chữa cho 54 bị cáo của 105 luật sư.
Nêu quan điểm luận tội trước đó, Viện kiểm sát nhận định: Trong vụ án, bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế, là người nhận nhiều tiền nhất (42,6 tỷ đồng), với thủ đoạn trắng trợn nhất. Sau khi vụ án phát giác, bị cáo đem trả một phần cho doanh nghiệp và yêu cầu họ nói việc đưa nhận tiền là giao dịch vay mượn nhằm che giấu cơ quan chức năng. Đối với khoản tiền hối lộ từ đại diện các doanh nghiệp, bị cáo Kiên mang mua đất, cho chú họ vay. |
Trước đó, tại phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, qua thẩm vấn công khai phiên tòa cho thấy, một số bị cáo có dấu hiệu của tội rửa tiền, nên đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn hai của vụ án.
Một tình tiết khác phát sinh trong quá trình xét xử cũng được Viện kiểm sát đề cập là trường hợp bà Ngô Thị Lan Phương (chị gái của bị cáo Ngô Quang Tuấn - nguyên chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giao thông vận tải) đã giao nộp cho HĐXX một tập chứng cứ là tài liệu tin nhắn trao đổi giữa bà Phương và bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) thể hiện giao dịch dân sự (vay mượn và góp vốn mua đất) giữa bị cáo Vy và bà Phương, chứ không phải tiền Vy đưa hối lộ cho Tuấn thông qua bà.
“Xét thấy, hành vi của Ngô Thị Lan Phương có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm, cần tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn hai của vụ án” đại diện Viện kiểm sát nêu.
Bị cáo Vy và Tuấn.
Tiền hối lộ chuyển tiền qua tài khoản chị gái
Lật lại hồ sơ vụ án, cơ quan truy tố cáo buộc, quá trình đề xuất trình Lãnh đạo Bộ GTVT duyệt ký công văn trả lời Bộ Ngoại giao để tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước, bị cáo Ngô Quang Tuấn đã có hành vi nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp sớm có văn bản gửi Bộ Ngoại giao.
Bị cáo Ngô Quang Tuấn bị Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 5 - 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. |
Theo Viện kiểm sát, quá trình điều tra và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, bị cáo Tuấn không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ lời khai của Tuấn và các bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA), Phan Thị Mai, Lê Tuấn Anh, Vũ Anh Tuấn, cùng bà Ngô Thị Lan Phương (chị gái bị cáo Tuấn - PV), bà Dương Thúy Bình, phù hợp với trích xuất sao kê tài khoản ngân hàng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Do đó, Viện kiểm sát có đủ căn cứ kết luận, từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, Ngô Quang Tuấn đã nhận hối lộ 9 lần, tổng số hơn 1,8 tỷ đồng (1,6 tỷ đồng và 10.000 USD) của các bị cáo đại diện cho doanh nghiệp.
Viện kiểm sát đánh giá, hành vi của Ngô Quang Tuấn cấu thành tội “Nhận hối lộ” theo điểm a khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự. Do bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội và không tích cực khắc phục hậu quả nên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, tương xứng để răn đe.
Đáng chú ý, trong các lần nhận hối lộ của Tuấn, cáo trạng của Viện kiểm sát xác định, trong các ngày 2/11/2022 và ngày 1/12/2022, bị cáo Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an nhờ vợ là Dương Thúy Bình chuyển khoản 2 lần, tổng số tiền 100 triệu đồng cho Ngô Quang Tuấn vào tài khoản bà Ngô Thị Lan Phương để giúp doanh nghiệp được cấp phép chuyến bay.
Quá trình điều tra, Ngô Quang Tuấn khai không nhận các khoản tiền trên. Căn cứ tài liệu chứng cứ, lời khai của những người liên quan, cơ quan truy tố xác định, bị cáo Tuấn đã nhận hối lộ.
Sau khi vụ án bị khởi tố, bị cáo thông qua tài khoản của chị gái, chuyển khoản trả lại 941 triệu đồng cho Vy, trả lại Vũ Anh Tuấn 100 triệu đồng.
Với cáo buộc nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị VKS đề nghị mức án tử hình.
Nguồn: [Link nguồn]