Vụ chồng bạo hành vợ: Quá khứ khổ cực
Chị Lê Thị Lý cho biết đã tha thứ cho chồng nhưng không thể sống chung một mái nhà.
Chúng tôi gặp Lê Thị Lý ở Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), nơi mẹ con chị đang tạm trú sau những cú sốc về cuộc sống gia đình. Trước mặt tôi là người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng. Ít ai biết được, cô đã từng chịu rất nhiều đau đớn và tủi nhục từ người chồng của mình. Ôm con gái năm tuổi trong lòng, Lý trông vui hơn cái ngày từ tòa về. Chị nhẹ nhàng bảo con ra ngoài chơi để nói chuyện với PV. Có lẽ vì cháu bé còn quá nhỏ nên Lý không muốn con mình chứng kiến những câu chuyện không vui của gia đình, của người cha vũ phu.
Tuổi thơ của người phụ nữ bất hạnh
Nói chuyện với chúng tôi bằng giọng nhẹ nhàng, chị Lý cho biết, tất cả mọi chuyện giờ đã là quá khứ và chị đã quên hết. Bây giờ chị chỉ sống và lo cho tương lai của cô con gái. “Vì con gái nên em quyết tha thứ cho anh ấy nhưng rất khó để quay về với nhau. Bởi vì, nếu bọn em tiếp tục sống gượng ép thì chỉ là bi kịch, chẳng thể hạnh phúc được”, chị Lý chia sẻ.
Có lẽ chẳng ai ngờ được, một con người có học thức, trình độ nhưng chồng chị lại ẩn náu trong hắn là sự tàn ác. Từ một người chồng hiền lành biến thành kẻ vũ phu, bệnh hoạn, tra tấn vợ một cách dã man. Nhận được sự cảm thông, chia sẻ, chị bắt đầu chia sẻ với chúng tôi về chính cuộc đời mình.
Hai mẹ con chị Lý tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển
Được biết, chị Lê Thị Lý (SN 1981, huyện Ba Vì, Hà Nội) sinh ra tại một vùng quê yên bình. Chị là con cả nhất trong gia đình có ba chị em gái. Mặc dù lớn lên ở vùng nông thôn nhưng chị em Lý không phải trải qua việc đồng áng chân lấm tay bùn vất vả như bạn bè cùng trang lứa. Bố mẹ Lý lại là những người giỏi trong việc buôn bán kinh doanh nên gia đình tương đối khá giả. Dù có ruộng nhưng bố mẹ chị cho người khác làm để tập trung vào việc buôn bán vải và may quần áo. Việc kinh doanh thuận lợi, chị em Lý được bố mẹ cho học hành đến nơi đến chốn. Cuộc sống tuổi thơ của chị em Lý êm đềm trôi qua trong bàn tay bao bọc của bố mẹ.
Thế rồi tai họa bỗng dưng ập xuống gia đình Lý. Người cha trước đây nổi tiếng là khỏe mạnh bị bệnh rồi nằm liệt một chỗ. Đó là thời gian Lý đang học những năm cuối cấp 2. Mười hai năm bố bị bệnh là một gánh nặng về tài chính và sự vất vả với mẹ. Một mình mẹ Lý vừa lo chăm chồng, con, vừa cáng đáng việc kinh doanh. Bao nhiêu tiền bạc trước đây kiếm được đều đổ vào thuốc men cho cha Lý. Nhiều lúc gia đình cô lâm vào cảnh khó khăn tưởng như không vực dậy được. Thậm chí, nhiều khi họ còn nghĩ đến việc bán nhà.
Thương mẹ vất vả, bố bị bệnh, Lý tự nhủ với lòng mình phải cố gắng học thật giỏi, chăm sóc các em và phụ giúp thêm công việc với mẹ. Tốt nghiệp PTTH, Lý theo học ngành Kế toán (hệ Cao đẳng) của một trường Đại học tại Hà Nội. Biết gia đình không có tiền, chị ở nhờ nhà người thân và luôn cố gắng học tập mong có ngày ra trường tìm một công việc để bù đắp, báo hiếu bố mẹ.
Ở trường, Lý luôn được đánh giá là xinh xắn, học giỏi và nhanh nhẹn. Rồi ba năm trôi qua, cũng đến ngày cô gái trẻ ra trường. Cầm tấm bằng trên tay, Lý dễ dàng xin vào làm kế toán trong một doanh nghiệp với mức thu nhập khá cao. Đây cũng là khoảng thời gian mà Lý quen và yêu Nguyễn Tiến Thịnh (SN 1980, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Cảm mến Thịnh là một người đàn ông có học thức (tốt nghiệp hai trường ĐH) lại đẹp trai nên cô gái trẻ xiêu lòng. Rồi họ tổ chức đám cưới trong sự vui mừng của hai gia đình.
Những ngày tháng mưu sinh xứ người
Hạnh phúc gia đình tràn trề nhưng khó khăn một lần nữa lại thách thức Lý. Khi vừa mới bước chân về gia đình nhà chồng thì bố chồng cô bị bệnh phổi. Mỗi tháng tiền điều trị cho ông cũng lên đến 20 triệu đồng. Lúc ấy, gia đình chồng suốt ngày đi vay mượn tiền để chăm sóc bệnh tật cho nguời cha già. Khoản lương thu nhập của chồng chị cộng với thu nhập của Lý (mỗi tháng được 5 triệu đồng, đóng vào phong bì đưa mẹ chồng) cũng không đủ lo cho bố chồng và sinh hoạt của gia đình.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, cô con dâu hiếu thảo bàn với chồng đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Họ mong rằng việc lao động ở nước ngoài sẽ đủ trang trải cho bệnh tật của bố và lo cuộc sống tương lai của con cái. Năm 2008, dứt nước mắt, tạm biệt chồng và cô con gái chưa tròn một tuổi, Lý xách va li đi lao động tại Angola.
Cuộc sống nơi đất khách quê người cực nhọc lắm mới có được đồng tiền gửi về cho gia đình. Suốt ba năm trời xa nhà, chị nhớ chồng, con da diết. Hàng đêm, mỗi khi đi làm về chị chỉ có thể sẻ chia nỗi nhớ với chồng qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi và ngắm chồng, ôm con qua những tấm hình. Tình yêu đó đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực sống cho người phụ nữ nhỏ. Cô tiết kiệm, gom góp từng đồng gửi về cho chồng mua sắm và chi tiêu cho cuộc sống gia đình, chữa bệnh cho cha.
Năm 2011, Lý hết thời hạn lao động ở nước ngoài, trở về Việt Nam. Chị tưởng tượng ra niềm hạnh phúc lúc được gặp chồng và bế đứa con gái bé bỏng trên tay. Chị bật khóc vì cuộc sống tương lai đã đẩy mình phải xa con gái từ khi nó chưa tròn một tuổi. Lý vui mừng, hạnh phúc khi nghĩ đến việc con gái cất tiếng gọi mẹ. Và, điều chị cảm thấy mãn nguyện là những năm tháng mưu sinh xứ người giúp gia đình chồng không còn vất vả như trước. Hơn nữa, nhờ những đồng tiền nhọc nhằn ấy, đứa con gái sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Được biết, vợ chồng chị đã xây được nhà, mua thêm được một mảnh đất. Thậm chí, Thịnh còn mua được ô tô. Chị Lý nghĩ thầm, từ nay gia đình nhỏ của mình đã được đoàn tụ. Chị sẽ là người vợ tốt, sẽ chăm lo cho chồng con bằng bổn phận của mình. Chồng chị sẽ yêu thương vợ, bù đắp lại những tháng ngày xa cách.
Một gia đình mơ ước Họ đến với nhau bằng tình yêu chân thành. Trong một thời gian ngắn đôi trai gái quyết định chứng minh tình yêu bằng cuộc sống hôn nhân. Được sự tác hợp, vun đắp của hai bên gia đình, đám cưới giữa Lý với Thịnh hoan hỉ diễn ra trọng hạnh phúc (năm 2006). Hạnh phúc nhân đôi, tình yêu tăng lên gấp bội khi gia đình nhỏ của vợ chồng Lý đón nhận thêm một bé gái đầu lòng, bé K. Ly (SN 2007). |