Vụ chìm tàu ở biển Cần Giờ: Ba năm chưa có hồi kết
Vụ chìm tàu tại biển Cần Giờ, TPHCM xảy ra từ năm 2013 khiến 9 người chết, nhưng đến nay cơ quan tố tụng vẫn bế tắc trong việc xử lý khiến doanh nhân sống dở chết dở.
Ông Vũ Văn Đảo cùng tập đơn đi kêu cứu. Ảnh: MĐ
Nhùng nhằng giải quyết vụ án
Cụ thể, 18h30 ngày 2/8/2013, khi tàu (cano BP12-04-02) chở 28 người đi ngang vùng biển Cần Giờ, TPHCM bị chìm khiến 9 người tử vong. Trước đó, tháng 3/2013, Cty CP Công nghệ Việt – Séc (Cty Việt – Séc) ký hợp đồng bán cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) 2 chiếc tàu trong đó có tàu BP12-04-02. Theo giấy đăng kiểm, tàu BP 12-04-02 có khả năng chở 12 người. Trong thời gian Cty Việt - Séc được phía bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu giao 2 tàu để bảo dưỡng và lắp đặt thêm thiết bị thì xảy ra tai nạn.
Ngày 4/9/2013, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Cty Việt - Séc và ông Đinh Văn Quyết, Giám đốc Cty CP Vũng Tàu Marina (Cty Marina) đồng thời là Phó Giám đốc Cty Việt-Séc về hành vi “Điều động tàu không bảo đảm an toàn”. Các quyết định khởi tố được Viện KSND TPHCM (VKSND) phê chuẩn ngày 23/10/2013. Kết luận ban đầu của Tổ điều tra đặc biệt - Bộ GTVT cho thấy, vụ chìm tàu ở biển Cần Giờ bắt nguồn từ việc sử dụng phương tiện sai mục đích. Lúc gặp nạn, tàu chở đến 28 người trong khi tải trọng cho phép tối đa là 12 người.
“Nếu tôi sai phạm thì cơ quan tố tụng buộc tội, bỏ tù tôi, nếu không có tội thì phải chấm dứt vụ án. Hiện nay tôi cứ như người bị trói chân, trói tay, ăn ngủ không yên thì còn làm được gì để sống”.
Ông Vũ Văn Đảo
Tới ngày 12/9/2014 Cơ quan CSĐT Công an TPHCM có kết luận điều tra số 372 cho rằng: “Hành vi của bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết đã cấu thành tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”, quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự”.
Ngày 17/10/2014, VKSND TPHCM ra cáo trạng số 474 truy tố bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”. Tới ngày 27/4/2015 TAND ra quyết định trả hồ sơ vụ án với lý do cáo trạng viện dẫn không có nguyên nhân nào chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Ngày 17/7/2015, TAND TPHCM tiếp tục trả hồ sơ lần 2 với lý do VKSND TPHCM truy tố các bị can về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải có kết luận giám định tàu BP12-04-02 (do ông Phạm Duy Phúc điều khiển - đã chết) không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng.
Tiếp đó, ngày 28/7/2015, VKSND TPHCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm tàu ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Cơ quan CSĐT. Theo yêu cầu của TAND TPHCM, ngày 27/8/2015 Cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định chiếc tàu tai nạn BP12-04-02 tại Bộ GTVT.
Ngày 28/8/2015, Cơ quan CSĐT, Công an TPHCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với tàu BP12-04-02. Đến ngày 19/11/2015 Bộ GTVT đã trả lời kết quả giám định khẳng định nguyên nhân tai nạn là do “Chở quá số người và gặp thời tiết xấu”. Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.
Được biết hiện tại ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết vẫn bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cấm xuất cảnh tới ngày 5/9/2018.
Nhiều tổ chức, cá nhân đứng đơn kêu oan Dù chưa đủ căn cứ buộc tội song cơ quan điều tra vẫn “trói chân” khiến ông Đảo và ông Quyết đều bất an lo lắng, các hoạt động của Cty bị đình trệ. Chính vì thế ông Đảo ròng rã ôm đơn đi cầu cứu tứ phương. Sau khi nhận được đơn và hồ sơ cầu cứu của ông Đảo, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật; Trường Đại học Luật Hà Nội; Bộ GTVT, Bộ KH&CN, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp; Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng chục luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng hàng chục doanh nghiệp, chi bộ đảng, công đoàn và hàng trăm người lao động đã ký đơn kêu oan cho 2 bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết. |