Vụ cháy tại Vườn quốc gia Hoàng Liên: Phải mất thời gian dài mới phục hồi hệ sinh thái
Rất đông các lực lượng của tỉnh Lào Cai có mặt tại khu vực xảy ra cháy rừng Vườn Quốc gia Hoàng Liên ở Séo Mý Tỷ (Tả Van, Sa Pa) nhưng địa hình hiểm trở, chia cắt khiến việc chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn.
Sáng 20/2, có mặt tại thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai), phóng viên báo Tiền Phong ghi nhận các hoạt động chữa cháy rừng trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên Bí thư, Chủ tịch thị xã Sa Pa cùng Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự, lãnh đạo công an thị xã Sa Pa đều có mặt, phối hợp với lực lượng Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, dân quân các phường xã lên phương án chữa cháy rừng.
Các điểm cháy trong khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên vẫn âm ỉ. Ảnh: Hân Nguyễn
Đến trưa, các lực lượng phòng cháy chữa cháy, cảnh sát cơ động công an tỉnh Lào Cai cũng được điều động vào hiện trường để tham gia ứng trực. Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cũng trực tiếp đến hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo công tác chữa cháy rừng.
Tại đây, Chủ tịch tỉnh Lào Cai chỉ đạo UBND thị xã Sa Pa phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai phương án chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”. Các lực lượng cũng được yêu cầu phân tích kĩ hiện trường, triển khai tích cực phương án chữa cháy rừng đảm bảo an toàn, hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện hậu cần, đảm bảo tiếp tế đủ thức ăn, nước uống cho lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy rừng tại thực địa.
Trước diễn biến của vụ cháy, các lực lượng chức năng, lãnh đạo các đơn vị của tỉnh Lào Cai đã phản ứng nhanh chóng, tích cực lên các phương án chữa cháy, tuy nhiên, ghi nhận tại hiện trường, việc dập lửa cho đến chiều 20/2 tại khoảnh rừng điểm cao 1.900 mét so với mực nước biển vẫn vô cùng khó khăn.
Theo chân lực lượng dân quân vào tiếp tế cho hơn 500 người đang chữa cháy tại các điểm xảy ra cháy, phóng viên báo Tiền Phong ghi nhận đường dẫn vào là những con đường mòn với dốc cao, vực sâu, hiểm trở.
Khoảng 14h ngày 20/2, các lực lượng tập trung tại một ngọn đồi có rừng tái sinh bị thiêu rụi. Một số người chủ động ăn trưa, trong khi các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, kiểm lâm nhanh chóng bàn phương án dập lửa ở vạt rừng đang cháy.
Để khống chế không cho lửa lan rộng, một đơn vị được phân công men theo các đường mòn, đi bộ khoảng 5km để nhanh chóng tiếp cận và bạt các “đường băng” ngăn lửa, khống chế đám cháy.
Nhiều vệt rừng tái sinh trơ trụi sau vụ cháy. Ảnh: Hân Nguyễn
Theo đánh giá của lãnh đạo thị xã Sa Pa có mặt tại hiện trường, việc chữa cháy rất khó khăn do địa hình hiểm trở, dốc, gió to. Các lực lượng dù rất cố gắng nhưng cũng chỉ khống chế được phần nào.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Hạnh - Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, nguy cơ tác động từ vụ cháy là rất rõ ràng. Phải mất thời gian rất dài mới phục hồi được hệ sinh thái rừng tự nhiên. Mặc dù vậy, khu vực xảy ra cháy là các vách đá, khoanh nuôi, tự tái sinh với cây cỏ tế là chủ yếu, không có các cây gỗ lớn”, ông Nguyễn Hữu Hạnh thông tin.
Đối với dịch vụ du lịch tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, ông Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, vụ cháy không gây ảnh hưởng do các khu vực quy hoạch du lịch chủ yếu ở một số điểm rừng già hay vị trí có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Cũng theo Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định do hoạt động sản xuất của người dân. Được biết, trong vườn quốc gia Hoàng Liên vẫn có đồng bào các thôn, bản sinh sống.
Khoảng 13h40 ngày 19/2, một đám cháy bùng phát tại khu vực đồi cỏ và rừng trồng tại Tiểu khu 286, khu vực Nà Háng của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ở thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa. Đến 17h cùng ngày, từ điểm cháy đầu tiên bùng phát thành 3 điểm thuộc Tiểu khu 286 và 292a. Khoảng 25ha rừng tại khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên bị cháy rụi. |
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Giám đốc vườn quốc gia Hoàng Liên, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định do hoạt động sản xuất của người dân.