Vụ cháy Rạng Đông: Ngưỡng an toàn của VN khác WHO là đúng

Trước nhiều ý kiến về việc ngưỡng an toàn trong đánh giá kết quả ô nhiễm mà Bộ TN-MT công bố sau vụ cháy Rạng Đông, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học - ĐHKHTN (ĐHQG HN) khẳng định: Việt Nam có ngưỡng riêng là đúng, không thể so với ngưỡng an toàn của thế giới bởi điều kiện sống, khí hậu, môi trường khác nhau.

Theo số liệu công bố của Bộ TN-MT thì lượng thủy ngân phát tán ra môi trường từ 15-27kg. Với số lượng như thế này thì mức độ nguy hại với sức khỏe của cộng đồng như thế nào, thưa ông?

Nếu chỉ nhìn vào con số thì ai cũng giật mình, nhưng chúng ta cần hiểu rằng đó là lượng thủy ngân được tính toán dựa trên số lượng bóng đèn bị cháy. Nghĩa là cộng lượng thủy ngân của mấy triệu cái bóng đèn thì ra con số trên, nhưng nó có bị phát tán hết hay không? Phán tán ở mức độ nào thì cần phải có kết quả đo chính xác và cụ thể hơn.

Bộ TN-MT đang đánh giá ô nhiễm ở mức độ trung bình là ở thời điểm hiện tại, trên thực tế phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác nhau như hướng gió, điều kiện không khí tùy thời điểm mới có kết quả cụ thể hơn được.

 

Nhiều người dân đi qua khu vực này vẫn phải bịt miệng vì mùi khét. Ảnh Thành An

Nhiều người dân đi qua khu vực này vẫn phải bịt miệng vì mùi khét. Ảnh Thành An

Rất nhiều người tỏ ra hoang mang lo lắng khi kết quả công bố của Bộ TN-MT có một số chỉ tiêu ô nhiễm không khí, đất, nước mặt… vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO nhưng lại phù hợp với ngưỡng của Việt Nam. Ông có thế lý giải thêm về điều này?

Người Việt Nam phải có chuẩn của người Việt Nam là đúng, bởi vì điều kiện kinh tế xã hội, khí hậu, môi trường của chúng ta khác thế giới nên không thể đem chuẩn của thế giới áp dụng cho Việt Nam.

Có thể hiểu nôm na, một ông Tây ăn bơ sữa sống trong điều kiện tốt hơn thì chắc chắn phải có sức khỏe tốt hơn một người Việt Nam có tập tính, cách sinh hoạt và môi trường sống kém hơn.

So sánh như thế để hiểu, ngưỡng hay quy chuẩn môi trường của mỗi quốc gia đều phải dựa trên điều kiện sống, khí hậu, thổ nhưỡng của quốc gia đó, chứ không thể áp dụng chung trên toàn thế giới. Có thể sau này điều kiện sống của chúng ta tốt hơn thì chắc chắn ngưỡng đánh giá của chúng ta cũng sẽ cao hơn.

 

Lượng thủy ngân từ số lượng bóng đèn trong kho chứa của Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phát tán ra môi trường ước lượng từ 12,1-27,2kg. Ảnh minh họa

Lượng thủy ngân từ số lượng bóng đèn trong kho chứa của Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phát tán ra môi trường ước lượng từ 12,1-27,2kg. Ảnh minh họa

Sau vụ cháy Rạng Đông, theo ông đâu là những bất cập mà chúng ta cần rút kinh nghiệm?

Vấn đề này tôi nghĩ để cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá sẽ khách quan hơn, tôi chỉ có suy nghĩ nhỏ về cơ chế quản lý các hóa chất độc hại, nguy hiểm.

Từ vụ Rạng Đông, tại sao chúng ta không đặt câu hỏi: số lượng thủy ngân mà doanh nghiệp quản lý thì đơn vị nào chịu trách nhiệm giám sát. Chẳng nhẽ DN trữ một lượng lớn thủy ngân làm nguyên liệu sản xuất mà không cơ quan quản lý nhà nước nào nắm được số lượng cụ thể? Bộ TN-MT có được giao quản lý vấn đề này hay không?

Nếu chúng ta có cơ chế giám sát tốt thì chắc chắn đã không gây hoang mang trong dư luận thời gian qua, nếu cơ quan quản lý Nhà nước biết rõ số lượng các hóa chất độc hại của DN thì việc công bố các số liệu ô nhiễm cũng như đưa ra các giải pháp sẽ hữu hiệu và sát thực tế hơn.

Theo tôi đây chính là 1 trong số những bất cập sau vụ cháy mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và thay đổi.

Xin cảm ơn ông!

Ảnh-clip: Công nhân Cty Rạng Đông gấp rút quây bạt, dọn hiện trường

Chiều 4/9, các công nhân thuộc Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông nằm trên phố Hạ Đình (Hà Nội) đang dọn dẹp đống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Danh Hùng ([Tên nguồn])
Cháy nhà xưởng Rạng Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN