Vụ cháy cây xăng: Không loại trừ có gian lận
Cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã vi phạm quy định về giờ nhập xăng khi nhập xăng vào bồn vào giữa trưa (trong khi quy định chung là không được nhập xăng trong thời gian từ 6 - 21 giờ mỗi ngày). Vì sao vậy?
Một khả năng được đặt ra là có thể việc nhập xăng vào giữa trưa sẽ giúp thể tích xăng tăng lên đáng kể do đặc tính dãn nở của xăng dưới tác động của nhiệt độ. Để làm rõ về vấn đề này, phóng viên NTNN đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng (ảnh) - nguyên là quan chức lâu năm trong ngành thương mại và có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực xăng dầu.
Ông Thắng cho biết: Xăng dầu rất nhạy cảm với nhiệt độ, nhạy cảm hơn nước nhiều. Nhiệt độ càng cao thì độ dãn nở của xăng dầu càng lớn. Xăng dầu cũng bốc hơi rất mạnh khi nhiệt độ cao và dễ bốc cháy. Chính vì vậy chúng ta mới có quy định chặt chẽ về thời gian "sang bồn" (đổ xăng từ các xe bồn-PV) trong lĩnh vực xăng dầu (không sang bồn trong khoảng thời gian từ 6 - 21 giờ).
Vậy ông thử lý giải nguyên do cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo lại "sang bồn" ngay giữa trưa để rồi là nguyên nhân gây ra vụ cháy kinh hoàng?
- Cũng có thể do thời điểm này ít người mua xăng dầu nên họ tranh thủ nhập xăng. Cũng có thể thời gian này các cơ quan chức năng cũng ít kiểm tra, giám sát nên họ dễ dàng vi phạm.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng họ nhập xăng vào giữa trưa để lợi dụng đặc tính dãn nở của xăng do nhiệt độ cao, xăng sẽ dãn nở tối đa khiến cho lượng xăng bơm sẽ nhanh đạt chỉ số đo của đồng hồ và sẽ "dôi" ra một lượng xăng đáng kể.
Với xe bồn cháy vừa rồi chứa hàng chục nghìn lít xăng dầu thì nhờ dãn nở, lượng xăng "thừa" sẽ rất lớn. Tuy nhiên, đây chỉ là phỏng đoán của cá nhân tôi, còn kết luận phải chờ các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Tình trạng gian lận trong các cây xăng hiện nay diễn ra khá phổ biến (Ảnh minh họa)
Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thương mại xăng dầu, ông đánh giá như thế nào về tình trạng gian lận xăng dầu hiện nay?
- Không ngoa khi nói rằng, trong lĩnh vực xăng dầu thì các cửa hàng kinh doanh đều tìm mọi cách để ăn cắp xăng dầu. Tình trạng trộm cắp này rất phổ biến và rất khó dẹp. Cửa hàng thì tìm cách ăn cắp xăng dầu của đại lý, đại lý thì tìm cách ăn cắp của doanh nghiệp đầu mối... Còn lái xe vận chuyển xăng dầu thì ăn cắp, rút ruột xăng dầu là chắc chắn. Chỉ có điều các cơ quan chức năng có bắt được quả tang và có muốn bắt hay không mà thôi.
Như vậy, người tiêu dùng luôn bị thiệt thòi khi sử dụng xăng dầu mà không biết, thưa ông?
- Đúng như vậy. Đặc điểm nữa của xăng dầu là có rất nhiều bọt. Bọt xăng dầu làm cho chỉ số đồng hồ báo đủ nhưng thực tế có một lượng xăng còn thiếu. Bọt xăng dầu đã làm cho đồng hồ đo sai lệch đi. Nói chung nạn ăn cắp đang rất phổ biến với xăng dầu do lợi nhuận của nó đưa lại và nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt, người tiêu dùng sẽ còn phải chịu thiệt thòi và cả sự mất an toàn.
Xin cảm ơn ông!
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Rà soát lại quy hoạch cây xăng Hải Phong (ghi) Đủ căn cứ để khởi tố vụ án Lương Kết (ghi) |