Vụ chặt 6.700 cây xanh: 'Thay bằng cây vàng tâm là không phù hợp'
Theo đồ án Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ Hà Nội đến năm 2030, do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, thành phố sẽ chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh bằng cây vàng tâm và một số loại cây khác. Kinh phí hơn 70 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, TS Đặng Văn Hà - Phó viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất cho biết, với cây mới trồng có chiều cao từ 6 - 8m, đường kính từ 8 - 10cm, phải 3 - 4 năm sau mới có bóng mát. Tán sẽ tùy thuộc vào phạm vi của hè phố, có thể đạt được 4 - 5m.
Trồng cây vàng tâm, phải 3 - 4 năm sau mới có bóng mát. Đồ họa: Nguyễn Lý
Cũng theo TS Hà, “trồng cây vàng tâm ở Hà Nội là không phù hợp”. Ông dẫn chứng thực tế, cây vàng tâm được trồng từ năm 2009 với kích thước đường kính 6 - 7cm ở lối vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngày 19.3 ông quay lại đây, cây sinh trưởng không tốt, tán lá thưa, một số cây tự khô ngọn, tự khô cành.
Chặt cây xanh, thay thế bằng cây vàng tâm trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Ảnh: Hồng Phú
Theo một số nghiên cứu, cây thích hợp với nhiệt độ từ 16 - 22 độ C. Trong điều kiện tự nhiên, cây vàng tâm trưởng thành sẽ có đường kính tối đa 80cm, tán của cây sẽ đạt 10 - 16m.
TS Hà cho hay, vàng tâm là cây gỗ quý, trong tự nhiên còn lại rất ít. Tuy nhiên, gỗ của vàng tâm không quý như gỗ sưa - bán theo cân, lạng, bẻ cành. Vàng tâm bán phải tính theo khối, giá khoảng vài trăm triệu đồng/khối.
Gỗ vàng tâm có ưu điểm là chắc, không mục, ít mối mọt, khi khô không bị nẻ cũng không biến dạng. Theo các chuyên gia, đây là một giống cây gỗ quý được sử dụng để đóng đồ dùng gia đình, làm đồ mỹ nghệ, chạm khắc, văn phòng phẩm, đóng đồ thờ…; quả có thể làm dược liệu.
Theo Công Phương ([Tên nguồn])