Vụ CDC Bình Phước: Xin trả "quà" có được xem là tình tiết giảm nhẹ?
Theo ý kiến luật sư, tình tiết xin trả lại “quà” của Giám đốc CDC Bình Phước không được xem là tình tết giảm nhẹ vì đã bị phát giác.
Trong những ngày qua, dư luận xã hội xôn xao với việc lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) nhiều tỉnh thành đã bị khởi tố vì nhận “hoa hồng” từ Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) do có liên quan đến việc mua - bán kit test Covid-19 với đơn vị này.
Mới đây nhất, dư luận “nóng” lên với sự việc Giám đốc CDC Bình Phước "xin trả lại quà” của Công ty Việt Á. Bộ Công an đã vào cuộc điều tra vụ việc nên việc trả “quà” chưa thực hiện được. Tuy nhiên, theo ý kiến của luật sư, việc “xin” trả “quà” nói trên không thể xem là tình tiết giảm nhẹ.
Máy Real Time PCR Việt Á bán cho CDC Bình Phước nhập từ Malaysia
Luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 171, Luật Thương mại 2005, tiền hoa hồng là khoản chi phí mà bên giao đại lý (bên A) trả cho bên đại lý (bên B) để thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho bên A hoặc cung ứng dịch vụ của bên A cho khách hàng theo giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ do bên A ấn định. Mức tiền hoa hồng được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.
Đồng thời, khoản hoa hồng dịch vụ này cũng được hiểu là khoản tiền thưởng tính bằng số phần trăm nhất định trên tổng số tiền sử dụng dịch vụ mà người kinh doanh dịch vụ dành cho người sử dụng dịch vụ hoặc người môi giới nhằm khuyến khích phát triển quan hệ giao dịch giữa hai bên (Điều 167 Luật Thương Mại 2005).
“Như vậy, việc CDC Bình Phước là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không phải đại lý cũng không phải đại lý nhận làm cung ứng dịch vụ cho Công ty Việt Á nên “quà” mà Công ty Việt Á tặng cho CDC Bình Phước không được xem là hoa hồng bán hàng. Nhưng nếu CDC Bình Phước mua các kit về không phải để sử dụng mà đem bán lại hay giới thiệu cho bên thứ ba mua thì phần “quà” Công ty Việt Á tặng sẽ được xem là khoản hoa hồng”, luật sư Thường nói.
Xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa
Luật sư thường giải thích: Các “quà” tặng của Công ty Việt Á cho CDC Bình Phước cũng không được xem là thù lao môi giới. Vì môi giới thương mại cũng được hiểu là hoạt động thương mại. Theo đó, một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới (Điều 150 Luật Thương mại 2005).
“Tuy nhiên, theo quy định phòng, chống tham nhũng thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình (Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP).
Khi cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng (Điều 26 Nghị định 59/2019/NĐ-CP)”, luật sư Thường chia sẻ.
Cũng theo luật sư Thường: "Nếu trong trường hợp không từ chối nhận quà tặng được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng. Với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá trị thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Nếu quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau: Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá; Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật; Nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng (Điều 27 Nghị định 59/2019/NĐ-CP)".
“Do đó, Giám đốc CDC Bình Phước nhận “quà” của Công ty Việt Á dù chưa biết là quà gì thì cũng đã vi phạm quy định không được nhận quà và cũng đã quá thời gian quy định trả lại quà trong thời hạn 5 ngày.
Nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.
Giám đốc CDC Bình Phước “xin” trả lại “quà” của Công ty Việt Á không thể được xem là tình tiết giảm nhẹ vì không phải là tự nguyện mà là bị phát giác. Bởi vì người vi phạm tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả thì mới có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ (Điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS 2015)”, luật sư Thường ý kiến.
Nguồn: [Link nguồn]
Cán bộ điều tra thuộc Bộ Công an tiến hành làm việc với các cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bình...