Vụ cá nục có phenol: Sẽ phải kiểm nghiệm lại
Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế: Quảng Trị đã hơi nóng vội, việc này cần phải kiểm nghiệm kỹ.
Chiều 12-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ phát hiện hàm lượng chất phenol (0,037 mg/kg) trong mẫu kiểm nghiệm của lô cá nục gần 30 tấn tại cơ sở của bà Lê Thị Thuộc (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), ông Hồ Sĩ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Trị (đơn vị đã thực hiện kiểm nghiệm trước đó), cho hay: “Bây giờ chúng tôi phải tiến hành kiểm nghiệm lại 30 tấn cá nục đó, theo cách làm là lấy mẫu ở từng bao cá một. Chứ trước đó, mình lấy mẫu ở một bao mà đại diện cho tất cả thì khó nói”. Theo ông Biên, trước mắt phải chờ kiểm nghiệm lại rồi đưa ra quyết định cuối cùng, số cá trên vẫn đang niêm phong chờ kết quả chứ chưa tiêu hủy.
“Muốn xử phải có quy định rõ ràng”
Liên quan đến cuộc tranh luận giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị về việc chất phenol được phép hay không được phép có trong thực phẩm, trao đổi với chúng tôi sáng cùng ngày, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, tiếp tục khẳng định hiện tại chất phenol chưa được quy định cụ thể trong ngành nông nghiệp.
“Hiện nay quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN, do Bộ TN&MT ban hành - PV) có quy định ngưỡng cho phép của phenol trong nước biển là 0,03 mg/kg. Còn trong thực phẩm cụ thể ra sao? Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện mẫu cá nục trong cơ sở của bà Thuộc là 0,037 mg/kg thì có vượt ngưỡng trong thực phẩm không? Tiêu chí nào, hàm lượng bao nhiêu thì vượt ngưỡng? Hiện tại chưa có quy định này nên cơ quan chuyên môn y tế nên kiểm định lại và kết luận phải được công bố dựa trên tiêu chuẩn cụ thể” - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, Bộ Y tế phải có tiêu chuẩn để biết được hàm lượng phenol như vừa kiểm tra có vượt ngưỡng không. “Nếu vượt ngưỡng thì khi đó mới có thể quy kết được là nó độc hay không độc với người tiêu dùng. Cụ thể theo tiêu chuẩn hàm lượng bao nhiêu thì được và trên bao nhiêu thì không được, là cấm”.
Ngư dân tỉnh Quảng Trị phơi cá nục xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
“Chưa có quy chuẩn về phenol trong cá”
Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Trần Văn Thành cũng lại tiếp tục khẳng định: “Chất phenol không được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Có văn bản đầy đủ”.
Chúng tôi đặt tiếp câu hỏi: “Vậy Bộ Y tế có đưa ra văn bản nào quy định phenol là chất cấm trong cá, thực phẩm không?”, ông Thành nói: “Về văn bản cụ thể thì cơ quan chuyên môn nắm, còn tôi là quản lý chung nên biết vậy nhưng có căn cứ văn bản đầy đủ. Anh hỏi lại thêm bên Chi cục ATVSTP họ sẽ trả lời cụ thể”.
Chúng tôi đặt tiếp câu hỏi trên với ông Hồ Sĩ Biên, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị, ông Biên cho biết: “Bộ Y tế có quy chuẩn. Phenol trong cá thì không nói đến nhưng trong công nghiệp thực phẩm thì không được sử dụng phenol”.
Ông Biên cho rằng thực tế phenol là chất độc ai cũng biết rồi, trong bao bì đựng thực phẩm mà không được phép thì chắc chắn trong thực phẩm cũng không cho phép. “Mà trong cá, người ăn vào phenol sẽ thải ra chậm, càng ngày càng tích lũy, với hàm lượng đó thì không thể ngộ độc rồi nhưng để lâu dài 5-10 năm sau sẽ ảnh hưởng” - ông Biên phân tích.
Chúng tôi hỏi tiếp: “Văn bản nào quy định trong công nghiệp thực phẩm không được sử dụng phenol?”, ông Biên cho rằng văn bản cấm sử dụng phenol trong thực phẩm thì tài liệu thế giới có nói. Ví dụ như vụ xúc xích mặc dù có ngưỡng của bộ y tế,… nhưng phải theo quy cách thế giới.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản TP Đà Nẵng, cũng cho hay hiện không có quy định về chỉ tiêu phenol. “Hiện liên quan đến chất phenol, chúng tôi cũng đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Tứ cho biết và nói: “đề nghị Bộ Y tế cần có ý kiến chính thức về vấn đề chất phenol này. Bởi đây là chuyên ngành của Bộ Y tế còn chúng tôi làm theo các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, đặc biệt là của Bộ Y tế. Vì vậy, cần đưa ra tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật… để các địa phương thực hiện”.
Bộ Y tế sẽ kiểm tra lại hàm lượng phenol trong cá nục
Trả lời trên Vietnamnet ngày 12-6, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết trước đó ông đã yêu cầu Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị chuyển mẫu cá nục ra Hà Nội kiểm tra lại nhưng đến ngày 12-6 vẫn chưa nhận được. “Tôi cũng đã yêu cầu gửi kèm cả quy trình xét nghiệm chi tiết các mẫu nói trên” - ông Phong nói.
Theo ông Phong, lực lượng liên ngành Quảng Trị cung cấp thông tin cá nục nhiễm phenol sau khi nhận được kết quả xét nghiệm từ một trung tâm kiểm nghiệm tại Huế.
“Tuy nhiên, tôi có trao đổi với viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia thì được biết việc xác định chính xác hàm lượng phenol rất khó, phải cất đi chưng lại nhiều lần. Do đó tôi cho rằng Quảng Trị đã hơi nóng vội, việc này cần phải kiểm nghiệm kỹ” - ông Phong thông tin.
Cục trưởng Cục ATTP cho biết ngay khi nhận được mẫu cá nục từ Quảng Trị gửi ra sẽ giao cho Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia kiểm nghiệm lại. Khi có kết quả sẽ công bố rộng rãi.