Vụ "cả họ làm quan" ở HN: "Nếu đúng, tại sao lại nhiều thế?"

Trước thông tin tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có tới 13 người là họ hàng cùng làm việc tại các đơn vị hành chính trong huyện, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Bình luận về thông tin “cả họ làm quan” tại huyện Mỹ Đức khiến dư luận xôn xao, bà Bùi Thị An cho rằng, có những nghề di truyền cho gia đình rất tốt như nghề y, nghề làm thuốc hay những nghề cần độ tinh xảo như nghề mộc, nghề sơn mài…. Ở một số nghề thì việc con nối cha, cháu nối ông là chuyện bình thường.

Còn việc “di truyền” trong công chức, viên chức thì bà An cho biết, có những gia đình có tố chất làm lãnh đạo và điều này đã được chứng minh nhiều trên thực tế. Việc “hổ phụ sinh hổ tử” cũng không phải là câu chuyện hiếm hoi.

Vụ "cả họ làm quan" ở HN: "Nếu đúng, tại sao lại nhiều thế?" - 1

 Bà Bùi Thị An

Bà An cũng nhận định, trong công tác cán bộ, cần có những chính sách đối với một số đối tượng, ví dụ như các chiến sỹ ở Trường Sa, con liệt sỹ, thương binh… đây là những đối tượng rõ ràng cần có sự ưu tiên. 

Tuy nhiên, đối với trường hợp ở huyện Mỹ Đức, bà An cũng tỏ ra băn khoăn: “Câu chuyện này tôi được đọc trên báo, cũng chưa rõ cụ thể ra sao. Nhưng nếu đúng thì tại sao lại nhiều đến thế? Điều này cần xem xét lại quy trình tuyển dụng, tiêu chí tuyển dụng và quá trình tuyển có minh bạch công khai không”.

Các cán bộ thông thường có ưu tiên không? Theo bà An, điều này nên có chú ý. Tuy nhiên, tiêu chuẩn phải ngang bằng, hoặc có chênh nhau một chút ít thôi. Bà An đưa ra quan điểm: “Chú ý không có nghĩa là một người 10, còn con cháu cán bộ là 8, là 7. Nếu có sự ưu tiên thì nhu cầu cần 10 thì con cán bộ cũng phải là  9,5 chứ không thể quá được”.

Về sự việc tại Mỹ Đức, bà An cho rằng việc kết luận là sai hay đúng ngay thì không thể vì cần phải xem lại toàn bộ từ gốc và cần nhìn toàn diện về vấn đề để có kết luận chính xác. “Nếu như 13 đồng chí vẫn phát huy hiệu quả, được dân, cử tri ghi nhận thì không sao. Sự việc này cần xem lại xem trong một cấp huyện có tổng biên chế là bao nhiêu? Tôi được biết, lãnh đạo Thành phố đã có chỉ đạo xem xét về sự việc này và nếu sai sẽ thì xử lý” – bà An nói.

Vụ "cả họ làm quan" ở HN: "Nếu đúng, tại sao lại nhiều thế?" - 2

  Dư luận đang xôn xao vụ "cả họ làm quan" tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội (ảnh minh họa)

Khi được phóng viên hỏi bà đã từng thấy cơ quan hành chính nào có 13 người cùng là họ hàng của lãnh đạo huyện chưa thì bà An cho biết, 13 người thì bà chưa từng gặp nhưng khi đi tiếp xúc cử tri ở các nơi thì bà có nhận được những phản ánh lác đác về việc ở một số đơn vị có người nọ người kia, chuyện nọ chuyện kia liên quan đến bố trí cán bộ là người nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, các phản ánh này đều được phản ánh với điều kiện người nhà lãnh đạo không đạt tiêu chuẩn mà vẫn bố trí làm việc.

Đưa ra quan điểm về việc lãnh đạo có nên bố trí con cháu, người nhà của mình vào chính cơ quan mình đang lãnh đạo không, bà An nêu rõ: “Đây là chuyện nhạy cảm, đừng đặt cấp dưới của mình vào thế khó. Và nếu có việc bố trí người nhà thì giới hạn cũng nên hạn chế. Khi lên ở vị trí nào đó, đồng chí là của dân rồi, mọi việc cần cân nhắc cẩn trọng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phượng Hoàng (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN